Không chốt được đền bù GPMB, dự án nằm im

ANTĐ - Hà Nội đã và đang đầu tư nhiều dự án nông nghiệp để có những nông sản sạch, song đến nay, vẫn chưa dự án nào ra đầu ra đũa. Từ dự án hoa công nghệ cao Tây Tựu đến đề án sản xuất rau an toàn, đặc biệt, dự án sản xuất rau an toàn tại Đan Phượng với diện tích lên tới 76ha. Tất cả đến nay, vẫn chỉ nằm trên giấy dù đã qua cả gần chục năm.

Công viên hoa Tây Tựu đã gần 10 năm chưa thành hình. Ảnh: PHÚ KHÁNH

Công viên hoa gần 10 năm chưa thấy

Trước tiên, phải kể đến dự án công viên hoa chất lượng cao Tây Tựu. Vào năm 2004, UBND TP đã phê duyệt dự án khu trồng hoa chất lượng cao với diện tích khoảng hơn 500ha nằm trên địa bàn xã Tây Tựu và Liên Mạc (Từ Liêm). Đặc biệt, dự án dành ra 10ha để thực hiện phần quan trọng nhất, được coi là điểm nhấn để nâng tầm cho cả vùng hoa, biến Tây Tựu trở thành “công viên hoa” giữa lòng thành phố, là tiểu dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và bảo quản hoa. Tiểu dự án này do Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) là chủ đầu tư. Mục tiêu của tiểu dự án nhằm hình thành khu công nghệ cao để sản xuất hơn 50 triệu cây hoa giống với công nghệ tiên tiến từ quy trình trồng đến thu hoạch và bảo quản. Bên cạnh đó, dự án còn thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ cho cả vùng hoa về cây giống, kỹ thuật, đào tạo nghề và xúc tiến tiêu thụ. Dự án được chọn là dự án quan trọng, kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm  Thăng Long - Hà Nội của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, dự án đã lỡ hẹn Đại lễ. Đến nay, dịp kỷ niệm Đại lễ đã qua 3 năm, nhưng công viên hoa vẫn chưa thể hoàn thành. 

Ông Phan Minh Nguyệt, Tổng Giám đốc Hadico cho biết, đến nay vẫn còn khoảng 1ha diện tích đất thu hồi của các hộ dân chưa thể giải phóng mặt bằng. Hơn nữa, mặc dù ban đầu khi phê duyệt có quy định, công ty sẽ được vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển TP nhưng đã qua ngần ấy năm, công ty nhiều lần đệ đơn vay vốn song không được duyệt. Về chậm trễ GPMB, theo ông Lê Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Tây Tựu là do sự ra đời của các chính sách về giá đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư điều chỉnh trong những thời điểm giao nhau. Bởi vậy, đã tạo ra sự không đồng nhất trong mức đền bù cho người nông dân bị thu hồi, dù trên cùng 1 dự án, 1 chủ đầu tư... nhưng lại có những mức chênh lệch khác nhau.

Dự án rau an toàn nằm chờ

Dự án sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ rau an toàn tập trung tại Đan Phượng với diện tích hơn 776ha thuộc 3 xã Phương Đình, Đồng Tháp, Song Phượng chính thức được phê duyệt vào tháng 8-2012. Tổng mức đầu tư của dự án là 47,4 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 2013-2014. Mục tiêu dự án hướng tới tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật và quy trình công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, đồng bộ trong sản xuất, bảo quản, tiêu thụ rau sạch, hình thành vùng sản xuất rau an toàn tập trung, cung cấp khoảng 6.000 tấn rau quả an toàn/năm cho nhu cầu tiêu dùng của Thủ đô và xã hội. Trong đó, sản lượng rau là 200 tấn/năm, sản lượng củ quả là 3.600 tấn/năm, sản lượng rau ăn lá 1.200 tấn/năm. Dự án sẽ đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhằm phục vụ quá trình sản xuất của nông dân hiện nay trên địa bàn triển khai dự án. Dự án được giao cho Hadico thực hiện.

Tuy nhiên, đến nay đã hơn một năm nhưng gần như dự án chưa triển khai được hạng mục nào. Sau nhiều mô hình sản xuất rau an toàn thất bại, người tiêu dùng không khỏi nghi ngờ về một dự án sản xuất rau an toàn lớn tại Đan Phượng cũng theo vết xe đổ.

Lý giải về sự chậm trễ ở dự án này, ông Phan Minh Nguyệt cho rằng, chủ yếu sự chậm trễ cho việc thay đổi cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, dự án cần thu hồi khoảng 5.000m2 đất làm nhà sơ chế, và thu hồi diện tích đất để làm đường nội đồng. Song đến nay, những đề xuất này vẫn chưa được phê duyệt. Vào tháng 1-2013, Sở TN-MT Hà Nội có văn bản đề nghị Công ty tự thỏa thuận với người dân. Nhưng lãnh đạo Hadico cho rằng, việc thỏa thuận về việc thu hồi đất với người dân là rất khó khăn, vì dự án sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ rau an toàn Đan Phượng là dự án được thành phố hỗ trợ vốn đầu tư GPMB và hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào. Hơn nữa, sau khi thuê đất, Công ty phối hợp với UBND xã Song Phượng, UBND huyện Đan Phượng tiến hành dồn điền đổi thửa để sản xuất. Tuy nhiên, công tác dồn điền đổi thửa vẫn không thực hiện được do người dân có ruộng trong khu vực dự án đã không phối hợp để đổi thửa và chính quyền địa phương cũng chưa quyết liệt trong vấn đề này.

Trả lời về tiến độ của dự án rau an toàn tại Đan Phượng liệu có chậm như dự án hoa Tây Tựu, ông Phan Minh Nguyệt cũng phải nhìn nhận, bản thân Công ty Hadico là chủ đầu tư thực hiện nhưng cũng không dám khẳng định, dự án bao giờ cán đích.