Không chỉ người trẻ có lỗi

ANTĐ - Câu chuyện về dạy sử, học sử từ đâu đã trở thành “nỗi niềm” của cả xã hội, chứ không còn là chuyện riêng của ngành giáo dục hoặc là nỗi tâm tư của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử tóc bạc phơ chầm chậm bước vào tuổi “xưa nay hiếm”. 

Không chỉ người trẻ có lỗi ảnh 1Nhiều hội đồng thi môn Sử chỉ có một thí sinh - hình ảnh biết nói và đáng suy ngẫm

Có lần dư luận dậy sóng khi TV đưa clip, học sinh trường Quang Trung không biết ông Quang Trung là ai. Khi hỏi đến Nguyễn Huệ thì gãi đầu gãi tai mà rằng, chắc hai ông ấy có họ hàng gì đó. Rồi hỏi đến Lý Thường Kiệt thì tự tin trả lời đó là một vị vua. Lại một lần khác, lần này không phải từ học sinh - những người vừa trẻ người vừa non dạ, thảm họa dốt lịch sử còn đến ngay từ người lớn, có chức tước hẳn hoi.

Vị này trong lúc phát biểu trước cuộc họp đã chắc chắn rằng, Tôn Ngộ Không trong tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân bên Tàu bị Phật tổ Như Lai giam ở Ngũ Hành Sơn, núi này thuộc địa phận Đà Nẵng, Việt Nam. Không chỉ nhầm cơ bản 2 dãy núi của 2 quốc gia khác nhau, vị này còn muốn nhân đây quảng bá du lịch cho Đà Nẵng… Hỏi chuyện một Giáo sư Sử học rằng, trước “những điều trông thấy” đó, ông có “đau đớn lòng”? Vốn xưa nay nổi tiếng lịch lãm trong giới sử học, vị giáo sư đáng kính chỉ cười, rồi chậm rãi rút khăn trong túi ra… lau nước mắt. 

Có lẽ, đến năm 2015 này, nhắc đến vấn đề học sử và dạy sử mà cứ lấy mãi ví dụ kiểu như Nguyễn Du là anh trai Nguyễn Trãi thì có lẽ đã rất cũ, cũ như giáo trình lịch sử với kết cấu mấy chục năm không thay đổi cách biên soạn, bài nào cũng là “địch trước, ta sau, đánh nhau, kết quả”. Năm 2015, hình ảnh biết nói nhất phải là cả một hội đồng thi 66 giám thị chỉ có một thí sinh duy nhất dự thi môn Lịch sử. Đã đến lúc phải sòng phẳng, chẳng phải cứ đổ lỗi mãi cho người trẻ. Tuổi trẻ đâu có quay lưng với lịch sử mà chính phương pháp học cứng nhắc ấy đã đẩy những nhàm chán lên đỉnh điểm. Xét cho cùng, lịch sử cũng là môn khoa học, phàm đã là khoa học thì đòi hỏi khách quan và “chống chỉ định” với mọi áp đặt.