Không chỉ lãi suất giảm

ANTĐ - Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đến nửa cuối tháng 2 vừa qua đang ở mức âm (-1,06%), trong khi huy động tiết kiệm tăng trưởng ở mức 1,2%. Theo nhận định của giới chuyên gia, với mức lãi suất hiện nay, suy tính kỹ thì tiết kiệm vẫn là kênh an toàn và hấp dẫn. Lượng tiền gửi vào ngân hàng đang tiếp tục gia tăng như “hầm trú ẩn” yên tâm nhất. Tăng trưởng tín dụng âm, trong khi huy động vốn tiếp tục tăng, thanh khoản của ngân hàng khá dồi dào, phải chăng là cơ hội để “bơm” vốn cho doanh nghiệp?

Sau Tết Nguyên đán, sản xuất mới bắt đầu vào guồng quay, để thúc đẩy tín dụng tăng trưởng ngay từ quý I và hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều ngân hàng đã “xắn tay” triển khai những gói tín dụng ưu đãi, nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ.

Muốn kích thích nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, nhiều ngân hàng đã tung ra nhiều gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi để thu hút khách hàng. Một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn đã triển khai gói tín dụng trị giá 1.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất cho vay thấp nhất chỉ từ 9,99%/năm. Gói tín dụng được triển khai khá linh hoạt khi áp dụng chính sách điều chỉnh theo biến động của lãi suất cơ bản. Gói tín dụng 1.000 tỷ đồng được tung ra ngay sau khi gói tín dụng ưu đãi 2.000 tỷ đồng vừa kết thúc trong Tết, được coi là những “cú bơm” vốn liên tục tiếp sức cho doanh nghiệp, giúp họ tận dụng tối đa các cơ hội kinh doanh. Ngay cả với các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo cũng được ngân hàng dành 1.000 tỷ đồng cho vay tạm trữ lúa gạo cùng với ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất.

Trong khi đó, để giúp các doanh nghiệp có đủ nguồn vốn thu mua nông sản trong dân, một số ngân hàng vừa cam kết đưa ra nguồn vốn tới 1.800 tỷ đồng để giúp doanh nghiệp thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Có thể nói so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm khả quan hơn nhiều với mức tăng trưởng âm 2,55% năm 2012. Hơn thế, dư nợ cho vay bằng VND vẫn tăng 0,44% so với năm 2012 và tăng 0,55% so với cuối tháng 1. Về phía doanh nghiệp, với những diễn biến của thị trường hiện nay, họ đang kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ sáng sủa hơn. Mặc dù đã được ngân hàng “bơm” vốn bước đầu, song doanh nghiệp vẫn chưa đã “cơn khát”. 

Họ hy vọng sẽ được vay những nguồn vốn có lãi suất rẻ hơn nữa để giảm chi phí sản xuất, giúp cạnh tranh tốt hơn. Đặc biệt, tiếng nói của giới doanh nghiệp “gửi” các ngân hàng là “cởi trói” bớt những quy định chặt chẽ khi cho vay như năm 2012. Cụ thể là, doanh nghiệp nào có tài sản đảm bảo đều đã đem thế chấp ngân hàng để vay vốn hết. Nay nếu ngân hàng tiếp tục coi tài sản thế chấp là một trong những tiêu chí quyết định để cho vay thì doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng, chứ chưa nói đến những nguồn vốn giá rẻ như các ngân hàng đang công bố.

Một chuyên gia kinh tế vĩ mô khuyến nghị, doanh nghiệp mong chờ chính sách khơi thông thị trường và kích thích nhu cầu tiêu dùng, chứ không chỉ lãi suất giảm. Khi đầu ra được thông thoáng, kinh doanh thuận lợi thì doanh nghiệp mới cần nhiều vốn. Cứu doanh nghiệp cũng tức là cứu nền kinh tế, cứu ngân hàng.