Khởi động thương mại toàn cầu

ANTĐ - Để tạo cú hích cho nền kinh tế thế giới, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G 20) tái khẳng định cam kết đối với tự do thương mại, coi đây là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và trao đổi hàng hóa xuyên biên giới.

Thương mại đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi của kinh tế toàn cầu

Phát biểu với báo giới sau hội nghị của G 20 tại Sydney, Australia, Bộ trưởng Thương mại nước chủ nhà A. Robb cho biết, Nhóm này sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận Bali mà 160 thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đạt được hồi tháng 12 năm ngoái. Theo thỏa thuận 9 điểm này, các nước cam kết sẽ xóa bỏ các rào cản thương mại toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các nước đang phát triển tăng cường hoạt động thương mại với các nước phát triển với mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu tăng thêm 2% trong 5 năm tới.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang lấy lại đà tăng trưởng.  Báo cáo cập nhật về “Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2014” do LHQ công bố hồi tháng 5 vừa rồi cho biết kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng vững chắc trong 2 năm tới cho dù một số nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi sẽ có tốc độ tăng trưởng thấp và triển vọng việc làm vẫn ảm đạm. Động lực cho sự tăng trưởng bắt nguồn từ các nước thu nhập cao, đặc biệt là Mỹ và 18 nước thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu     (Eurozone). 

Xu hướng tích cực xuất phát trước hết từ dòng vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bắt đầu chảy mạnh. Năm 2007, FDI toàn cầu đã đạt 2 nghìn tỷ USD, nhưng khủng hoảng kinh tế thế giới đã khiến dòng vốn FDI giảm mạnh xuống còn 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2009. Tuy nhiên, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2014, tổng giá trị các vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trên thế giới đã đạt 500 tỷ USD, con số cao nhất kể từ năm 2007 và cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó mà tổng FDI toàn cầu trong năm tới có thể đạt 1,75 nghìn tỷ USD và năm kế tiếp là 1,85 nghìn tỷ USD. 

Để có sự phục hồi vững chắc thì ngoài yếu tố vốn đầu tư, không thể bỏ qua vai trò của thương mại toàn cầu. Theo dự báo của WTO, thương mại toàn cầu năm nay sẽ vọt lên mức 4,7%, cao gấp đôi so với con số 2,1% của năm 2013. Tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 5,3% trung bình trong 20 năm qua và thấp hơn xu hướng tăng trưởng 6% trong giai đoạn trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu (năm 1990-2008).

Chính vì thế tại hội nghị vừa diễn ra tại Sydney, Australia, bộ trưởng thương mại các nước G 20 đều khẳng định phải biến tự do thương mại trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như hoạt động đầu tư và thương mại, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Ukraine và một số nơi khác trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.

Những mục tiêu cụ thể về tăng trưởng thương mại đã được xác định rõ. Chẳng hạn, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2014 của các nền kinh tế phát triển phải đạt lần lượt là 3,6% và 3,4%, trong khi các nền kinh tế đang phát triển phải đạt mức tăng trưởng 6,4% và 6,3%. Khu vực châu Á được kỳ vọng dẫn đầu tăng trưởng xuất khẩu năm 2014 ở mức 6,9%, tiếp theo là Bắc Mỹ 4,6%, Trung và Nam Mỹ 4,4%, khu vực châu Âu 3,3%, các khu vực khác bao gồm châu Phi, Trung Đông và Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) là 3,1%. Về nhập khẩu, châu Á vẫn tiếp tục dẫn đầu với mức tăng trưởng 6,4%, Trung và Nam Mỹ 4,1%, Bắc Mỹ 3,9% và châu Âu 3,2%.