Khó giữ tình nghĩa vợ chồng “đứt đoạn”

ANTĐ - Vì nhiều lý do khác nhau mà có những cặp vợ chồng phải chọn giải pháp tạm thời là ly thân để “suy nghĩ cho thấu đáo” trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, có những trường hợp, người vợ hay người chồng đã chọn “bến đỗ” mới ngay trong lúc ly thân. Về mặt luật pháp, họ đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, nhưng luật pháp cũng khó giữ được tình nghĩa vợ chồng đã đứt đoạn quá lâu.

Cân nhắc thực tế để xử

Từ những vụ việc tưởng chừng như chỉ liên quan đến chuyện tình cảm gia đình, vợ chồng, nhưng không ít người trong cuộc không ngờ mình lại rơi vào vòng lao lý. Luật sư Nguyễn Văn Tú - (Công ty Luật TNHH FANCY - Hà Nội) cho rằng, trường hợp của anh Hoàng Tiến Dũng (Hoàng Mai) lấy vợ mới trong lúc đang ly thân là vi phạm chế độ một vợ một chồng, bị khởi tố hình sự. Điều 47 Bộ Luật Hình sự nêu rõ: “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung, đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...”. Anh Hoàng Tiến Dũng đã tổ chức đám cưới với người khác, sống chung và có con riêng là đủ các bằng chứng để khởi tố. 

Theo Luật sư Tú, mức xử phạt tội “xâm phạm hôn nhân một vợ một chồng” có các mức xử phạt tù, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tiền. Tuy nhiên, Tòa án cũng sẽ xem xét tình hình thực tế, cân nhắc bên tình bên lý để đưa ra phán quyết. 

Luật sư Tú cho biết, việc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng trên thực tế xảy ra khá nhiều. Tuy nhiên, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Có người không sinh được con nên chồng đi “gửi con” nơi khác nhưng cũng không muốn ly hôn vợ vì “tình nghĩa”. Có người vợ (chồng) bỏ đi biệt tích, không biết sống chết thế nào nên chồng (vợ) ở nhà tự cưới người khác... Cũng theo Luật sư Tú, hôn nhân có nhiều yếu tố liên quan đến văn hóa, tình cảm nên ít khi công an khởi tố các vi phạm chế độ một vợ một chồng. “Tòa án và dư luận thường lên án mạnh mẽ những trường hợp cặp bồ, cưới vợ bé nhưng về nhà lại hành hạ vợ con. Còn các trường hợp khác đều có cân nhắc để hợp tình, hợp lý” - Luật sư Tú cho biết. 

Hôn nhân không phải là “cái lồng”

Trường hợp của anh Hoàng Tiến Dũng, Luật sư Tú cho rằng, anh Dũng đã thiếu hiểu biết pháp luật. Nếu vợ chồng ly thân đã lâu (từ năm 2005) vợ đi nước ngoài từ năm 2010, nếu anh Dũng có ý định cưới vợ mới thì có thể đơn phương làm đơn ly hôn, gửi Tòa án, ly hôn xong mới nên cưới người khác. Như vậy, người vợ sẽ không bị ấm ức vì chồng lừa dối, bản thân cũng không vi phạm pháp luật. 

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, hôn nhân không phải là “cái lồng” giam giữ thể xác và trái tim của bất kỳ ai. Vợ chồng muốn giữ được tình yêu cần phải chăm sóc, nâng đỡ nhau mọi việc trong cuộc sống. Nếu mâu thuẫn không thể chung sống thì nên ly hôn để hai bên có thể tìm hạnh phúc mới. Ly thân chỉ là giải pháp tạm thời để “suy nghĩ cho thấu đáo” chứ không phải là biện pháp để giữ gìn hôn nhân, đồng thời cũng chỉ nên ly thân trong một thời gian ngắn. Nếu hai vợ chồng xa cách lâu thì tình cảm đã mâu thuẫn lại càng nhạt nhẽo hơn. Vì thế, pháp luật có thể xử phạt người chồng vi phạm chế độ một vợ một chồng, nhưng cũng khó có thể nối lại sợi dây nghĩa tình đã đứt đoạn quá lâu.