Khó có công bằng trong thi cử

ANTĐ - Anh Phạm Hoàng Giang, phụ trách kinh doanh của một công ty tư nhân trên đường Giải Phóng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trăn trở: 27 điểm, nghĩa là bình quân đạt 9 điểm/ 1 môn thi mà vẫn trượt Đại học thì đúng là khó chấp nhận được.

- Các trường tuyển sinh theo thang điểm từ cao xuống thấp nên người nào điểm thấp hơn bị trượt là đương nhiên. Điều này có gì khó hiểu?

- Như trường Đại học Y Hà Nội năm nay tuyển hơn 400 chỉ tiêu ngành bác sĩ đa khoa mà có tới hơn 700 thí sinh đạt điểm từ 27 trở lên, như vậy thì hơn 200 thí sinh đạt 27 điểm chắc chắn bị trượt. Với 9 điểm mỗi môn, nếu thi vào một số trường Đại học khác có khi còn đạt… thủ khoa ấy chứ. Tôi cứ tự hỏi, không biết những học sinh “giỏi” có điểm cao như vậy đang bị lãng phí hay do chính sách thi tuyển có quá nhiều hạn chế để đến nỗi không sàng lọc, phân loại được rõ ràng mức học lực của các thí sinh. 

- Những bạn có điểm cao không đỗ Đại học theo nguyện vọng 1 hoàn toàn có thể đỗ trường khác hoặc ngành học khác theo nguyện vọng 2, 3!

Năm nay điểm chuẩn của hầu hết các trường đều tăng do lượng thí sinh đạt điểm cao quá nhiều. Với những trường vốn được xem là thuộc “tốp trên” thường ít khi tuyển nguyện vọng 2 nên khó còn cơ hội cho các bạn đạt 27 điểm trượt nguyện vọng 1 khối ngành học y, dược. Còn nếu những thí sinh này vào học ở nhóm trường có “tiếng tăm” ít hơn nhiều hoặc các trường ngoài công lập, thì quả là đáng tiếc.

- Chẳng nhẽ không có cơ hội nào cho những thí sinh đạt điểm loại giỏi mà vẫn trượt đại học?

- Đọc các diễn đàn thấy một số trường Đại học kiến nghị được Nhà nước cho mở thêm các lớp đào tạo ngoài ngân sách, hệ dân sự… để tuyển sinh các em thuộc diện nói trên. Cần nhìn nhận, việc đặt ra chỉ tiêu cụ thể cho từng trường, từng ngành học đã được nghiên cứu kỹ, nếu tuyển sinh ồ ạt thì sau này sẽ gây ra nhiều hệ lụy về việc làm. Tôi nghĩ, quan trọng nhất là phải thay đổi lại quy trình tuyển sinh, ra đề thi, thậm chí xem xét lại cả diện thí sinh được tuyển thẳng hàng năm, để đảm bảo công bằng thi cử.