Khó chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu

ANTĐ - Con đường tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam xem ra vẫn rất gian nan, bởi những hạn chế về năng lực cung ứng, chất lượng, số lượng và giá cả kém cạnh tranh.

Chỉ 4 doanh nghiệp đủ điều kiện

Tháng 9-2014, Samsung đã đối thoại với các doanh nghiệp Việt Nam, mong muốn tìm kiếm nhà cung cấp linh kiện cho Samsung tại Việt Nam. Ông Jang Ho Young - Giám đốc bộ phận mua hàng của Samsung Việt Nam cho biết, sau sự kiện này, có 4 doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện làm vệ tinh cho Samsung. 28 doanh nghiệp khác là nhà cung cấp cấp hạng 2.

Hiện tại, Samsung cũng đang xem xét hồ sơ của 9 doanh nghiệp tiềm năng. “Dự kiến cuối năm nay, 41 doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia cùng Samsung sản xuất điện thoại, máy tính bảng... Giá trị hợp đồng giữa các doanh nghiệp này với Samsung năm 2014 là 34 triệu USD, năm nay cố gắng tăng lên 45 triệu USD”- ông Jang Ho Young nói. 

Theo Bộ Công Thương, có 80 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam là đối tác cung cấp linh phụ kiện cho Samsung nhưng phần lớn số này thuộc khối FDI. “Số lượng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng cho Samsung còn thấp, chiếm chưa đến 10% tổng số các nhà cung ứng.

Khó chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh 1

Samsung tìm kiếm nhà cung cấp linh kiện Việt Nam

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nội mới chỉ tham gia vào những công đoạn có giá trị gia tăng thấp do năng lực sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ còn nhiều hạn chế”- lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay.

Là nhà cung cấp hạng 1 cho Samsung nhưng ông Nguyễn Văn Hào - Giám đốc Công ty Vietnam HTMP cho biết, doanh  nghiệp này chỉ cung cấp 2 sản phẩm: khuôn mẫu và các sản phẩm nhựa, vỏ nhựa cho nhà máy số 3 của Samsung. Nhà máy này chuyên sản xuất máy hút bụi, yêu cầu độ chính xác của sản phẩm thấp hơn điện thoại, máy tính bảng.

Ông Nguyễn Văn Hào chia sẻ: “Máy hút bụi là đồ gia dụng. Đồ gia dụng và điện thoại, máy tính bảng có đẳng cấp khác nhau. Muốn trở thành nhà cung cấp cấp hạng 1 cho Samsung mobile rất khó”.

Doanh nghiệp Việt khó chen chân

Tại triển lãm - hội thảo diễn ra ngày 15-7, Samsung đưa ra danh sách khoảng 200 linh kiện cần nhà cung cấp, nhiều hơn so với năm ngoái. Các tiêu chí để lựa chọn nhà cung cấp vẫn dựa trên các yếu tố: công nghệ, chất lượng, trách nhiệm, thời gian giao hàng, tài chính và pháp luật.

Ngoài ra, đại diện Samsung cho biết thêm, để trở thành nhà cung ứng cho Samsung, doanh nghiệp Việt Nam phải có ý chí, mong muốn được tham gia chuỗi sản xuất của tập đoàn này. Ông Han Myoung Sup, Tổng Giám đốc khu tổ hợp sản xuất Samsung cho hay: “Chúng tôi đang bắt đầu mối quan hệ và tạo sự tin tưởng đối với doanh nghiệp Việt Nam”.

Cơ hội lớn hơn, nhưng làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam khai thác được? Theo đại diện một doanh nghiệp Việt Nam, tiêu chí Samsung đưa ra rất rõ ràng, cũng tương tự như các tiêu chuẩn quốc tế khác. Tuy nhiên, để vượt qua được các vòng kiểm tra gắt gao không phải chuyện dễ.

Doanh nghiệp này nói: “Về chủ quan, đa số doanh nghiệp Việt Nam năng lực hạn chế. Muốn chen chân vào chuỗi sản xuất của Samsung rất khó vì họ đã có hàng loạt doanh nghiệp cung ứng hợp tác từ lâu”. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hào cho biết, giá cả cũng là một yếu tố để Samsung xem xét. Doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều đối thủ cạnh tranh. Để tăng cường tiềm lực, doanh nghiệp nội rất cần sự hỗ trợ về mặt bằng sản xuất và vốn. 

Hiện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ được hưởng nhiều ưu đãi nhưng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các chính sách này vẫn chưa đủ mạnh để tạo ra sức bật cho doanh nghiệp. Con đường để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu rõ ràng vẫn còn gập ghềnh, gian nan.