Khi người ta có tuổi

ANTD.VN - Mặc dầu sau khi đại ngộ, Đức Phật đã thâm hậu giảng thuyết “tứ diệu đế” theo hướng chân thực giải thoát, nhưng đa phần tục nhân vẫn nông nổi vật chất hiểu khái niệm “lão” như một mặc cảm có phần buồn bã.

Khi người ta có tuổi ảnh 1Tới một ngày nào đó, bỗng run run tự nhìn ra mình đã có tuổi thì hầu hết đều cảm khái thở dài. Ảnh: Lam Thanh

Đức Phật lúc chưa ngộ đạo, vẫn là thái tử Tất Đạt Đa, tuy tuổi đang còn trẻ nhưng đã hơn một lần hoang mang siêu việt nhận thấy “già” là một trong bốn nỗi khổ rất lớn: “Sinh, lão, bệnh, tử”. Nói chung, tới một ngày nào đó, bỗng run run tự nhìn ra mình đã có tuổi thì hầu hết đều cảm khái thở dài. Thi hào đời Đường, Lưu Vũ Tích có bài thơ kiệt tác “Kim nhật hoa tiền ẩm…” được dịch giả Tương Như phiên thành lục bát, đại loại là “Hôm nay uống rượu bên hoa. Cạn dăm ba chén gọi là mua vui. Chỉ e hoa nói lên lời. Em không chịu nở cho người già nua”. 

Người Việt nói chung, nhất là các làng còn giữ được nhiều tục cổ, luôn có nếp tôn kính người già (trọng xỉ). Hà Nội cách đây chưa quá lâu thì đại loại cũng như vậy thôi. Bởi đa phần các phố nghề cũ kỹ ở đất Kẻ Chợ, ví như Hàng Bạc, Lò Rèn… hoặc như nghề làm giò chả ở lấm tấm "xôi đỗ" khắp nội ngoại thành, thì cũng đều xuất xứ từ các vùng quê.

Đó là chưa kể do tác động khách quan của những khúc quanh lịch sử, kiểu như sau hòa bình năm 1954 ở miền Bắc, có hẳn một lớp thị dân mới là con em của các gia đình công chức cán bộ gốc gác trong vùng Thanh - Nghệ, định cư ở Thủ đô.

Đương nhiên những người tinh hoa vốn đậm chất quê kiểng đó, kể cả khi đã lọc lõi thập thành ở phố, thì vẫn giữ nguyên những nét đẹp trong sinh hoạt của làng xã mình. Người cao tuổi hiển nhiên là được kính trọng.

Tất nhiên cũng có nhiều vùng thiên về trọng Khoa (đỗ đạt lớn) hay trọng Hoạn (quan chức cao). Có điều, ngày xưa chưa có chương trình đào tạo văn minh “tại chức”, nên hầu hết quan lại được chọn qua chính danh thi cử hủ lậu cồng kềnh tốn kém thời gian. Thường khi có đôi chút thành đạt thì tuổi cũng không còn trẻ. Vì thế ở những vùng đất nổi tiếng hiếu học, việc có các cụ “ba trong một”, vừa “xỉ” vừa “khoa” vừa “hoạn” là vô cùng đông đảo.

Thật ra, khác với những đàn bà, thỉnh thoảng ở đàn ông lại có người muốn già. Lý do cũng không đến nỗi quá bí hiểm phức tạp. 

Trường hợp như danh nhân Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến là không hề hiếm. Làng hoặc phường phố có việc hay soạn cỗ, đương nhiên các cụ như vậy sẽ trân trọng được xếp ngồi chiếu cao. Tính cụ Nguyễn thích đùa, nên trong bài “tự trào” có câu “Thủ lợn nhìn ông đà nhẵn mặt”. Phải là người già cực kỳ lịch duyệt lão thực mới dám “hỗn” như cụ.

Thật ra, khác với những đàn bà, thỉnh thoảng ở đàn ông lại có người muốn già. Lý do cũng không đến nỗi quá bí hiểm phức tạp.

Nhà văn Nguyên Hồng lúc đang viết sung sức thì bị vài ba cái nguyên cớ “lăng nhăng”. To thì như cuộc đời xô đẩy, bé thì như lương thiện mưu sinh nên mới ngoài bốn mươi ông đem cả gia đình về Nhã Nam vất vả ở. Vào hồi ấy nước ta còn nghèo và đang đói, chính phủ cấm nấu rượu từ gạo. Là người yêu rượu, trong lúc tiện thể về Hà Nội công tác, nhà văn thường cầm theo ít “rượu lậu”.

Để tránh những phiền toái không đáng, ông đành phải để râu mà già. “Cát bụi chân ai” của Tô Hoài có đoạn: “Cán bộ thuế khám, Nguyên Hồng hạ chiếc bị trên vai áo nâu bạc xuống, một tay khoành lại đấm lưng, một tay lôi hũ rượu. “Đau lưng, đau lưng, phải có tang thuốc ngâm gia truyền này mới được. Anh thông cảm”. Không biết trên bộ râu ngụy trang, hai con mắt nhanh như chớp”. 

Nhà văn Nguyên Hồng nổi tiếng bần bạch, khi ông chơi râu để chứng tỏ già thì không hẳn là chuyện rượu, có lẽ ông còn muốn khỏa lấp phủ che vài nỗi rưng rức đau lòng khác. Nó hoàn toàn không giống cái ông cố thị dân trong hoạt kê tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng.

“Chí bình sinh của cụ chỉ là muốn được làm cụ cố. Cho nên chưa năm mươi tuổi, cụ cũng đã làm ra vẻ già cả sắp chết. Chưa đến mùa rét cụ đã khoác cái ba đờ xuy dày xù. Trước khi trả tiền phu xe, cụ ôm ngực ho rũ rượi và đếm nhầm một xu để phu xe tưởng cụ lẫn lộn. Nằm dài bên khay đèn thuốc phiện, nghe ai nói chuyện cụ cũng nhắm nghiền mắt lại, nhăn mặt khẽ gắt “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” mặc dầu cụ chưa hiểu đầu đuôi ra sao và vui lòng lắng tai nghe”. Cái cụ cố này khát khao được già vì nghĩ rằng thế là “oách”.

Chắc bởi thời phong kiến thực dân, có quá nhiều “cụ cố” được lung tung tôn vinh, bất kể tài năng, đạo đức thật giả của họ như thế nào. Kha khá đông người nông nổi nghĩ, đàn ông vừa có râu vừa có da nhăn nheo thì luôn phải được tôn kính. “Nếu chỉ tính râu dài thì những con dê xồm xứng đáng là học giả”, một triết gia Hy Lạp cổ đã cay đắng thốt.

Lớp trẻ của ngày hôm nay, ở bất cứ đâu, ở bất cứ chỗ nào cũng luôn chân thành trân trọng tôn kính những người già, những người đã đúng là cha là anh của họ. Vì thế họ sẽ vô cùng đau đớn khi có vài “cụ” có tuổi, có chức, có sổ tiết kiệm nhưng quá lo “hoa không chịu nở cho người già nua” mà bỉ ổi bỏ tiền đi bứt hoa. Một khuôn viên sẽ là tuyệt vời đẹp, khi bên trên những luống hoa non tơ mơn mởn là những cây đại thụ lòe xòe râu ria trang nghiêm nhân hậu rủ bóng.