Khi khách bị 'chặt chém' từ hàng ăn đến chỗ rửa và trông giữ xe

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một bát bún ốc giá 80.000 đồng, rửa xe ô tô giá 120.000 đồng, thay săm xe máy giá 150.000 đồng…Tình trạng “chặt chém” khách đầu năm mới tái diễn khiến nhiều người dân bức xúc.

Ngay từ trước Tết, trên địa bàn Hà Nội, giá rửa xe máy, ô tô tại các cửa hàng ở khu vực như Cầu Giấy, Đống Đa, Tây Hồ đã tăng mạnh. Giá rửa xe 4 chỗ dao động 100.000-130.000 đồng, xe 7 chỗ 130.000-150.000 đồng, xe máy 50.000 đồng và tiếp tục giữ giá này trong những ngày đầu năm mới.

Không chỉ dịch vụ rửa xe, trước nhu cầu du xuân, đi lễ của người dân tăng mạnh, tại khu vực xung quanh các đền chùa, nhiều điểm trông giữ xe tự phát cũng mọc lên như nấm, đua nhau “chặt chém” khách. Thông thường, giá trông giữ xe máy dao động từ 20-30.000 đồng/xe, ô tô từ 50-100.000 đồng/xe.

Thậm chí trong những ngày Tết Nguyên đán, một số người đi xe máy còn trở thành nạn nhân của vụ “chặt chém” táo tợn khi xe đột ngột bị dính đinh, thủng lốp. Tại khu vực cầu Cần Thơ, TP. Cần Thơ, anh N.C.T. (35 tuổi, ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) đã được yêu cầu phải trả 150.000 đồng khi thay săm bánh trước xe máy của mình.

Ngoài các dịch vụ phát sinh liên quan đến xe cộ, một số điểm bán hàng ăn cũng đua nhau tăng giá trong và sau Tết. Tại Hà Nội, giá trung bình của một bát bún riêu ốc hoặc phở bò, miến ngan…dao động từ 60-80.000 đồng. Nguyên nhân của việc tăng giá được các chủ của hàng đưa ra là do thiếu nhân công, giá xăng tăng nên nguyên liệu đầu vào cũng tăng theo?!

Ngay đầu năm mới, một số người đi xe máy đã bị “chặt chém” khi xe đột ngột thủng lốp

Ngay đầu năm mới, một số người đi xe máy đã bị “chặt chém” khi xe đột ngột thủng lốp

Nhìn nhận hiện tượng trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, dù với lý do gì thì việc tăng giá hàng hoá dịch vụ lên cao bất thường là vi phạm pháp luật.

Nghị định 49/2016/NĐ-CP quy định, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hang; Phải niêm yết đúng giá do cơ quan có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Với hàng hóa, dịch vụ không do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định nhưng không được bán cao hơn hoặc thấp hơn giá niêm yết.

Về chế tài xử lý với hành vi “chặt chém” khách đầu năm mới, theo Nghị định 149/2017/NĐ-CP, phạt tiền từ 500.000 – 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; Niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi niêm yết giá không đúng giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Mức phạt tiền từ 5 -10 triệu đồng áp dụng với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá.

Đặc biệt mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 40-60 triệu đồng nếu hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị trên 500 triệu đồng.

Ngoài tiền phạt, người vi phạm còn phải nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thu được do hành vi vi phạm của mình gây ra.

Để tránh bị “chặt chém” trong những ngày đầu năm mới, mỗi người dân cần thận trọng hỏi giá trước khi sử dụng bất cứ dịch vụ nào và khi bị bên cung cấp dịch vụ đưa ra mức giá bất hợp lý cần trình báo với chính quyền phường sở tại nơi xảy ra vụ việc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình - luật sư Hồng Vân khuyến cáo.