Xử lý nghiêm người bán hàng 'chặt chém', hành hung khách để răn đe

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau vụ người bán hàng rong ở Bờ Hồ 'hét' 80.000 đồng 1 củ khoai nướng đến vụ người bán hàng chợ Nhà Xanh tát cô gái vì dám mặc cả, nhiều người bức xúc trước hành xử thiếu văn minh của những người bán hàng, đồng thời đề nghị áp dụng chế tài xử lý nghiêm với hành vi 'chặt chém', hành hung khách.

Lên án mạnh mẽ hành vi “chặt chém”, hành hung khách

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại hình ảnh một cô gái trả giá áo khoác không hợp lý khiến người bán hàng ở chợ Nhà Xanh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) không hài lòng nên đã vung tay tát vào mặt khách hàng.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã mời người phụ nữ bán hàng lên trụ sở để làm việc. Theo thông tin ban đầu, người tát cô gái trong clip tên L.T.M (22 tuổi, quê Hải Dương). Khi cô gái vào hỏi mua áo khoác tại ki ốt của M, trong lúc thoả thuận giá cả, 2 bên xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát.

Trước đó, trên mạng xã hội cũng xuất hiện một câu chuyện khác gây xôn xao dư luận. Một nhóm bạn trẻ đi chơi ở khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã vào một điểm bán ngô nướng để ăn vặt. Khi thanh toán, họ ngỡ ngàng bị người bán hàng "hét giá" 80.000 đồng/1 củ khoai nướng.

Sau khi xác minh, Công an phường Hàng Bạc đã lập biên bản và xử lý về hành vi lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh đối với người bán hàng là bà T, đồng thời củng cố hồ sơ xem xét xử phạt về hành vi bán giá cao với mức phạt từ 2-3 triệu đồng.

Không chỉ có vậy, cách đây không lâu, một lái xe ở Hà Nội cũng đã bị đuổi việc do "chặt chém" 2 hành khách nữ hơn 500.000 đồng cho quãng đường 14km.

Những vụ việc trên đã khiến nhiều người bất bình. Bà Lê Thu Hải - cán bộ hưu trí ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng, việc người bán hàng đẩy giá 80.000 đồng cho một củ khoai nướng hay tát khách khi họ trả giá không vừa ý mình là hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh.

Hình ảnh trong clip người bán hàng ở chợ Nhà Xanh tát cô gái vì dám mặc cả

Hình ảnh trong clip người bán hàng ở chợ Nhà Xanh tát cô gái vì dám mặc cả

Chỉ vì món lợi trước mắt không ít người bán hàng với tư duy làm ăn chộp giật ngắn hạn đã làm xấu đi hình ảnh của các điểm đến du lịch. Họ không biết rằng, những vụ việc được coi là nhỏ này sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý du khách, từ không thoải mái, đề phòng đến lâu dần tạo ra sự ác cảm, từ đó làm mất đi tính hấp dẫn của điểm đến du lịch.

Theo bà Hải, để ngăn chặn tình trạng “chặt chém”, mỗi người dân, du khách cần thận trọng, trước khi mua hoặc sử dụng bất cứ sản phẩm hoặc dịch vụ nào cần hỏi kỹ thông tin về giá.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát chặt đối với những người bán hàng rong bằng cách yêu cầu người bán đăng ký thông tin sản phẩm, niêm yết công khai giá bán để khách hàng "thuận mua vừa bán"; Đồng thời, yêu cầu họ ký cam kết khi bán hàng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền và có biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ đội ngũ bán hàng rong.

"Một vài hình ảnh xấu lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh du lịch của Việt Nam. Do vậy, cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay đối với những người có hành vi “chặt chém” khách” - bà Hải kiến nghị.

"Chặt chém", hành hung khách hàng có thể bị xử lý hình sự

Phân tích các vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, nguyên nhân dẫn đến vấn nạn “chặt chém” khách là do người bán viện cớ giá nguyên liệu đầu vào tăng nên giá món ăn cũng phải tăng để có lợi nhuận.

Ngoài ra, tại các quán ăn nhỏ hay vỉa hè thường không có thực đơn niêm yết giá, đến khi thanh toán, khách hàng mới "ngã ngửa". Mặt khác, nhiều khách hàng do tâm lý ngại hỏi giá, nên bị người bán lợi dụng để tính thêm các khoản tiền vô lý.

Về chế tài xử lý đối với hành vi này, Khoản 3 Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định, người nào có hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá (hàng hóa dịch vụ này không thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện), thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt từ 5 - 10 triệu đồng.

Bên cạnh đó, người vi phạm còn phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết. Nếu không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách Nhà nước.

Điều đáng nói là, thời gian qua, hầu hết các vụ "chặt chém" khách hàng ở mức tiền không lớn, nên khó truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ dùng lại xử phạt hành chính.

Chỉ trong trường hợp người bán hàng có hành vi ép buộc khách hàng phải trả số tiền cao, đe dọa dùng vũ lực nếu khách hàng không trả tiền, thì có thể bị xử lý về Tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 BLHS 2015 sửa đổi với mức hình phạt của tội này cao nhất có thể lên đến 15 năm tù .

Còn với những người bán hàng hành hung khách hàng, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi, đối tượng này có thể bị xử lý về Tội cố ý gây thương tích hoặc Tội làm nhục người khác - Luật sư Thu nhấn mạnh.