Khảo cổ học biển đảo tư liệu quan trọng khẳng định chủ quyền

ANTĐ - Sáng  7-5, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học“Khảo cổ học biển đảo Việt Nam - Tiềm năng và triển vọng” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước.

Khảo cổ học biển đảo tư liệu quan trọng khẳng định chủ quyền ảnh 1Đồ gốm men phát hiện được ở đảo Trường Sa Lớn và Nam Yết 

Người Việt có mặt trên các đảo từ rất sớm

Tại buổi hội thảo, các nhà khoa học đã công bố các kết quả nghiên cứu quan trọng của khảo cổ học Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của khảo cổ học biển đảo trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển đảo, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời mổ xẻ những thách thức và khó khăn trong phát triển khảo cổ dưới nước. 

PGS.TS Lại Văn Tới (Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành) cho biết, từ năm 1993, các đoàn cán bộ khảo cổ học đã điều tra khảo cổ quần đảo Trường Sa vào năm 1993-1994, khai quật có hệ thống trên đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết vào năm 1995 và đảo Sơn Ca năm 1999. Các đảo khác đều đã được điều tra và thu lượm hiện vật.

Những tư liệu khảo cổ học thu được đã khẳng định sự có mặt liên tục của người Việt Nam trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Trong đó, tại đảo Trường Sa Lớn và Nam Yết đã phát hiện được những mảnh gốm thô có chất liệu, màu sắc, kỹ thuật chế tác tương tự như đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh cũng như những đồ gốm sứ Việt Nam thuộc các thế kỷ muộn hơn, chủ yếu thuộc 2 giai đoạn, trước thế kỷ XV và sau thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII.

Đặc biệt, trên đảo Nam Yết và Song Tử Tây qua điều tra đã thu được 16 đồng tiền thời Nguyễn, có niên hiệu Minh Mạng và Tự Đức, phù hợp với những ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục” viết năm 1776. Tuy nhiên, các hiện vật thu được ở hố khai quật ở Trường Sa còn cho thấy sự có mặt của người Việt trên các đảo này sớm hơn nhiều, ít ra từ cuối đời Trần. 

Đầu tư vẫn là “con số 0”

Tuy có nhiều đóng góp quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền lãnh hải Việt Nam, nhưng khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn. “Về cơ bản thì khảo cổ học dưới nước Việt Nam vẫn hoàn toàn mới mẻ” - đó là nhận định của PGS.TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam.

Ông Tín cho biết, từ những năm 1990, Việt Nam đã tiến hành một số nghiên cứu, khai quật ở các tàu cổ Hòn Cau (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Hòn Dầm (Phú Quốc, Kiên Giang), Cù lao Chàm (Hội An, Quảng Nam), tuy nhiên chưa có cuộc khai quật nào được các nhà khảo cổ học Việt Nam “có chứng chỉ khảo cổ học dưới nước tiến hành”. Không những thế, nạn trục vớt trái phép di vật diễn ra nhiều nơi cũng đang tàn phá các di chỉ một cách nặng nề.

Đồng tình với quan điểm của PGS.TS Tống Trung Tín, T.S Lê Thị Liên -  Trưởng phòng Khảo cổ học dưới nước, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, khó khăn lớn nhất với khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam vẫn là kinh phí. Không những thiếu kinh phí cho đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị, hoạt động hàng năm mà nguồn tài chính để bảo quản di vật, đào tạo con người cũng là bài toán nan giải.

Theo T.S Lê Thị Liên,  từ ngày thành lập, Phòng Khảo cổ học dưới nước của Viện Khảo cổ học vẫn chưa được trang bị bất cứ một thiết bị gì, cũng như không được đầu tư kinh phí thường niên cho các hoạt động khảo sát, nghiên cứu dưới nước. 

Trong khi đó, ở quốc gia láng giềng Thái Lan, Chính phủ đã thông qua ngân sách 27 triệu bath tương đương với 900.000 USD để đầu tư phương tiện cũng như nhân lực cho khảo cổ học dưới nước ở Chanthaburi. Ở Trung Quốc cũng đã cho hạ thủy “Tàu khảo cổ học Trung Quốc 01” vào ngày 24-1-2014 tại Trùng Khánh, trọng lượng 900 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ có các thiết bị khảo sát viễn thám: máy siêu âm quét cạnh, máy đo từ trường…, chứng tỏ họ đang sẵn sàng chi mạnh tay phục vụ nghiên cứu khảo cổ học dưới nước. 

Rõ ràng, để tạo đà và duy trì sự phát triển của chuyên ngành này cần có chủ trương đầu tư cơ bản từ chính phủ và định hướng cụ thể của cơ quan chức năng. Nếu không, khảo cổ học dưới nước mãi mãi vẫn chỉ là “vùng trũng”.  

PGS. TS Lâm Thị Mỹ Dung - Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội: Thêm nhiều tài liệu đấu tranh về mặt pháp lý

“Nếu chúng ta có những chứng cứ khoa học kết hợp khảo cổ học với sử liệu, ví dụ như các bản đồ cổ, các chính sách của các triều đại phong kiến, cùng với quá trình chiếm lĩnh của những cộng đồng cư dân cổ ở đất liền cũng như ở hải đảo, chúng ta sẽ có thêm rất nhiều tài liệu để nói với thế giới, cũng như “đặt lên bàn” để đấu tranh về mặt pháp lý chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển, đảo. Tôi cho rằng, nghiên cứu khảo cổ học biển đảo trước hết là phục vụ cho khảo cổ học, nhưng việc khai thác các di sản này cũng là tài nguyên phục vụ cho du lịch, phục vụ văn hóa và xây dựng lòng yêu nước. Thứ nữa là tham góp những chứng cứ pháp lý, chứng cứ khoa học vào việc khẳng định chủ quyền quốc gia trên Biển Đông”. 

TS. Phạm Quốc Quân - Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam: Phải triển khai một cách đồng bộ, có hệ thống 

Khảo cổ học biển đảo tư liệu quan trọng khẳng định chủ quyền ảnh 3

“Có thể nói rằng những tài liệu về vật chất là những tài liệu có sức thuyết phục nhất khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Trong khi đó, những tài liệu thành văn của chúng ta còn rất ít hoặc tản mát. Chúng ta phải triển khai một cách đồng bộ, có hệ thống để củng cố cơ sở, tăng tính thuyết phục về vấn đề bảo vệ chủ quyền. Thứ hai, không chỉ riêng khảo cổ học biển đảo, tôi cho rằng cần phải tổng hợp tài liệu của nhiều lĩnh vực, nhiều chuyên ngành. Từ những lĩnh vực tưởng như rất xa vời như tàu thuyền, kỹ thuật đóng tàu thuyền… nhưng khi được đưa ra đã cung cấp rất nhiều tư liệu về chiến lược đi biển của người Việt cổ”. 

TS. Trần Đức Anh Sơn (Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng): Lựa chọn con đường tiếp cận, phát huy sức mạnh

Khảo cổ học biển đảo tư liệu quan trọng khẳng định chủ quyền ảnh 4

“Khảo cổ học biển của Việt Nam đã manh nha từ khá lâu nhưng nhỏ lẻ hơn so với khảo cổ học trên đất liền do thiếu phương tiện, không được đào tạo một cách bài bản. Cho nên, đây là những bước đi khá dò dẫm và riêng biệt, trong khi chính sách của chúng ta chưa thực sự chú trọng về khảo cổ học. Tôi cho rằng, ngoài chính sách hỗ trợ, các nhà khoa học cũng phải lựa chọn một con đường tiếp cận, trong đó ngoài nghiên cứu chuyên ngành phải kết hợp số liệu về quân sự, kinh tế… để khảo cổ học phát huy sức mạnh trong việc chứng minh chủ quyền Việt Nam đối với các vùng biển, đảo, đặc biệt là hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa”.