"Khám phá" 7 nhà văn qua 7 tác phẩm
(ANTĐ) - Một tập truyện ngắn vừa được phát hành, hứa hẹn sẽ thu hút sự chú ý của những người yêu văn học. Bởi đây là tập hợp 7 tác phẩm xuất sắc của 7 tác giả lớn của văn học Anh - Mỹ giai đoạn cuối thế kỷ XIX - thế kỷ XX.
Ba truyện ngắn Bức thư (William Somerset Maugham), Nụ cười Gioconda (Aldous Leonard Huxley), Trở lại Babylon (F. Scott Fitzgerald) thể hiện những khía cạnh của cuộc sống và xã hội một cách sâu sắc.
Với cảm hứng của những chuyến phiêu lưu, ba truyện ngắn Con thuyền không mui (Stephen Crane), Cuộc hành trình lên phương Bắc (Jack London) và Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro (Ernest Hemingway) mang đến cho chúng ta những góc nhìn mới. Con thuyền không mui, là một câu chuyện, kể theo sự thực. Bằng lời văn nhẹ nhàng, nhà văn đã tái hiện lại cuộc hành trình của sự sống: bốn con người (người đầu bếp, người thợ dầu, chàng phóng viên, viên thuyền trưởng) trở thành bạn, họ cùng nhau vật lộn với sự dữ dội của biển để cùng sống sót.
Ngược lại, Jack London say mê với chuyến du hành với Cuộc hành trình lên phương Bắc. Ông kể về hành trình của những con người trong bão tuyết, thể hiện một suy tư triết học về đấu tranh giành sự sống, chống áp bức bóc lột tàn bạo, bảo vệ phẩm giá con người. Truyện thu hút người đọc ở sự bất ngờ của tình tiết, ở chiều sâu của những chi tiết.
Hemingway thì tìm đến một không gian xa xôi và hùng vĩ ở tận châu Phi với Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro. Chỉ trình bày một lát cắt rất mỏng trong cuộc đời nhân vật Harry - những giờ khắc sống cuối cùng của một nhà văn với cái ý thức sâu sắc về sự thất bại không thể cứu vãn được trong văn nghiệp mình, tác giả đã nói được rất nhiều điều. Và hình ảnh núi Kilimanjaro tuyết phủ là một biểu tượng mang cảm hứng thẩm mỹ dồi dào mà tác giả đã gửi gắm vào đó những ước vọng một đời của nhà văn.
Xứ sở của người mù của Herbert George Wells có một cốt truyện khác hẳn. Tác giả dựng lên một câu chuyện giả tưởng về một anh chàng có tên Nunezơ lạc vào xứ sở của những người mù. Anh ta tưởng rằng “trong xứ mù thằng chột làm vua”, anh ta sẽ đồng hóa và khai sáng văn minh cho những người ở đó. Nhưng cuối cùng chính anh ta lại bị chính những kẻ mù “giáo hóa”. Anh trở về với cuộc sống của mình khi nhận ra “cả anh và cả thế giới mù lòa trong thung lũng, cùng tình yêu của anh nữa, hết thảy chỉ là một địa ngục của tội lỗi”. Cuộc sống của đôi mắt mới là cuộc sống đích thực.
Bảy truyện ngắn với dung lượng khá lớn được bày tỏ dưới nhiều cách thể hiện vô cùng nghệ thuật của những nhà văn nổi tiếng nhất thế giới, Nụ cười Gioconda là một tập hợp hoàn hảo những mảng màu đa diện của cuộc sống thành thế giới thu nhỏ đầy chiêm nghiệm. Với sự đồ sộ về nội dung và dung lượng, cùng với bút pháp điêu luyện của các tác giả, những truyện ngắn trong tuyển tập này xứng đáng là những truyện ngắn hay nhất của văn học Anh - Mỹ thế kỷ XX.
Tập truyện "Nụ cười Gioconda" dày 408 trang, được bán với giá bìa 69.000 đồng/cuốn tại các cửa hàng sách trong nước.
Gia Bách