Khám hậu Covid-19, người lao động có được hưởng bảo hiểm y tế?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gọi điện tới Báo ANTĐ nhiều bạn đọc hỏi, theo quy định hiện hành, F0 sẽ được hưởng chế độ ốm đau,  tiền dưỡng sức sau khi điều trị, tiền lương… Vậy những trường hợp người nhiễm Covid-19 đã âm tính nhưng sức khỏe còn yếu phải đi khám hậu Covid có được hưởng bảo hiểm y tế?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng hậu Covid-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm bệnh với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.

Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội.

Hậu Covid-19 ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần thể chất và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, gia đình và cho xã hội.

Người nhiễm Covid-19 nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi khỏi bệnh vẫn còn đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài như sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, khớp, rụng tóc, xơ phổi, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, rối loạn nội tiết, huyết học bị huyết khối. Có trường hợp xuất hiện rối loạn tiêu hóa, rối loạn vị giác hoặc khứu giác, phát ban…

Nhu cầu khám bệnh hậu Covid-19 hiện nay khá cao, khi số lượng các ca nhiễm ngày càng tăng cùng các trường hợp tái nhiễm. Theo Điều 22 Luật Bảo hiểm Y tế, nếu đi khám, chữa bệnh đúng tuyến, người lao động sẽ được thanh toán chi phí trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT với mức:

100% chi phí khám, chữa bệnh dành cho các trường hợp là bộ đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc hộ nghèo; người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở;

95% chi phí khám, chữa bệnh dành cho những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người thuộc hộ cận nghèo 80% chi phí khám, chữa bệnh dành cho các đối tượng khác.

Trường hợp tự đi khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến mà không có giấy giới thiệu thì tùy tuyến khám chữa bệnh mà người tham gia BHYT sẽ được thanh toán như sau: Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú; Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú; Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí khám, chữa bệnh.

Thời gian qua một số địa phương đã ban hành văn bản hướng dẫn về việc khám sức khỏe hậu Covid-19. Như tại TP.HCM, Sở Y tế đã có văn bản số 947/SYT-KHTH đề nghị các đơn vị không hạn chế quyền lợi của người bệnh khi đến khám, chữa bệnh di chứng hậu Covid-19 bằng việc gợi ý, ép buộc người bệnh tham gia các gói dịch vụ khám sức khỏe hậu Covid-19.

Theo văn bản này, tại cơ sở y tế công lập, người bệnh cũng được hưởng chế độ do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, tùy theo loại bảo hiểm của người bệnh.

Trường hợp người bệnh có thẻ BHYT và khám, chữa bệnh các bệnh lý thuộc danh mục và phạm vi thanh toán của quỹ BHYT thì các đơn bị thu theo mức giá quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 13/2019/TT-BYT.

Tại các bệnh viện tuyến Trung ương, người đến khám hậu Covid-19 cần có giấy chuyển tuyến để được hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế. Trường hợp người có thẻ BHYT buộc cấp cứu hoặc điều trị nội trú thì vẫn được BHYT chi trả…