Khắc phục tình trạng giám sát xong chẳng chuyển biến gì

ANTĐ - Thảo luận về dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND chiều 21-10, nhiều ĐBQH băn khoăn về hiệu quả của hoạt động giám sát hiện nay. Có ĐBQH bình luận, chất lượng giám sát kém dẫn đến thực trạng “đoàn đến rồi đoàn lại đi, địa phương chẳng chuyển biến gì…”.

Khắc phục tình trạng giám sát xong chẳng chuyển biến gì ảnh 1Cử tri mong muốn các vấn đề dân sinh cấp thiết được các đoàn giám sát xem xét và giải quyết thấu đáo (Trong ảnh: Người dân TP. HCM khổ sở vì ngập lụt sau mỗi trận mưa).

Giám sát kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”

Góp ý cho dự luật, ĐB Huỳnh Nghĩa, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cho rằng, hoạt động giám sát chuyên đề đối với các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương trong thời gian qua có nhiều tiến triển, đạt được những kết quả nhất định, đem lại lòng tin cho nhân dân.

Tuy nhiên, xem xét một cách toàn diện thì hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát chưa cao. Một số cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội, HĐND vẫn còn tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”, chưa đi sâu đi sát, chưa đánh giá đúng thực trạng để có kết luận chính xác. Kết thúc đợt giám sát, các đoàn giám sát cũng chỉ dừng lại ở việc ghi nhận các kiến nghị của địa phương, đơn vị. ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị, luật lần này cần khắc phục được các tồn tại nêu trên.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng, kết quả hoạt động giám sát chuyên đề chưa cao vì vẫn chỉ là “nghe ngóng” chứ chưa đi vào bên trong của hoạt động. “Tôi đề nghị bổ sung một số phương thức để thực hiện tốt việc giám sát. Cụ thể, đoàn giám sát có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải tự thanh tra, kiểm tra và thông báo lại cho đoàn giám sát; có quyền gặp hỏi những người có liên quan đến nội dung giám sát. Từ đó mới đưa ra kết luận, kiến nghị, yêu cầu cụ thể” - ĐB Đỗ Văn Đương nói.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị phải bổ sung quy định chủ thể giám sát chịu trách nhiệm về kết luận giám sát. ĐB Nguyễn Anh Sơn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phân tích, chỉ có quy định rõ trách nhiệm như vậy mới tránh được tình trạng “đoàn đến rồi đoàn lại đi, địa phương chẳng chuyển biến gì…”. 

Hạn chế ủy quyền trả lời chất vấn

Đề cập đến quy định trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và HĐND, ĐB Huỳnh Nghĩa cho biết, tại các kỳ họp của Quốc hội và HĐND thời gian qua, có tình trạng người có trách nhiệm phải trả lời chất vấn lại ủy quyền cho cấp dưới trả lời. Có tình trạng này vì luật hiện nay không bắt buộc chức danh được chất vấn phải trực tiếp trả lời và cũng không cấm việc ủy quyền trả lời. Do vậy, cần quy định rõ các chức danh được chất vấn không được ủy quyền cho cấp dưới trả lời.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Bá Thuyền, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, phải quy định rõ cấp trưởng trả lời chứ không thể ủy quyền cho cấp phó. “Tại nhiều kỳ họp HĐND, Giám đốc Sở cùng ngồi dự phiên họp nhưng Phó Giám đốc Sở lại là người đăng đàn trả lời chất vấn. Không quá cứng nhắc nhưng cũng cần quy định rõ trường hợp nào mới được ủy quyền chứ không thể ủy quyền tràn lan, chẳng hạn khi đi công tác, đi nước ngoài… thì được ủy quyền” - ĐB Nguyễn Bá Thuyền kiến nghị.

Sáng cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về Luật Kế toán (sửa đổi). Có ý kiến đề nghị, phải nâng tiêu chuẩn và điều kiện của người làm kế toán, tối thiểu có bằng trung cấp trở lên, nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác kế toán.