- Thị trường lao động 2025, thay đổi để không bị đào thải
- Thị trường lao động sôi động ngay từ đầu năm 2025
Học sinh cuối cấp THCS và THPT với cơ hội tiếp cận nghề nghiệp sớm
Theo ông Lê Minh Thảo - Phó Trưởng phòng phụ trách Giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và đại học (Sở GD-ĐT Hà Nội), ngày 11-5, tại sự kiện khai mạc “Ngày hội kết nối giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2025” đã có trên 10.000 người tham gia (trong đó có khoảng 8.000 học sinh cuối cấp của các trường THCS, THPT, trung tâm GDTX-GDNN trên địa bàn các quận, huyện, thị xã) hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh GDNN; khoảng 2.000 học sinh, sinh viên, người lao động trên địa bàn Hà Nội tham gia phiên giao dịch việc làm.
![]() |
Học viên trường Trung cấp Nghề nấu ăn, nghiệp vụ du lịch và thời trang Hà Nội thi kỹ năng nghề |
Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tư vấn về định hướng nghề nghiệp, ngày hội này có 56 đơn vị gồm 31 trường cao đẳng, 21 trường trung cấp, 4 doanh nghiệp, trung tâm GDNN tham gia tư vấn tuyển sinh với 101.025 chỉ tiêu của hơn 330 ngành, nghề cơ các cấp trình độ đào tạo. Điều đáng chú ý là các chỉ tiêu đào tạo rất đa dạng với 123 ngành, nghề trình độ cao đẳng với 26.559 chỉ tiêu; 148 ngành nghề trình độ trung cấp với 34.381 chỉ tiêu; 225 trình độ sơ cấp với 40.085 chỉ tiêu. Điều này sẽ thích hợp với nhiều đối tượng, bao gồm học sinh tốt nghiệp THCS, THPT, các học viên có nhu cầu đào tạo chuyên sâu nghề nghiệp ngắn hoặc dài hạn…
Năm học 2025-2026, Hà Nội có 46 trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng tổ chức 312 lớp với 13.485 học viên. Các cơ sở giáo dục này sẽ áp dụng phương thức đào tạo GDNN trình độ trung cấp kết hợp với học văn hóa chương trình GDTX cấp THPT. Học viên sau khi tuyển sinh sẽ được học văn hóa chương trình GDTX cấp THPT đủ điều kiện theo quy định được đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.
![]() |
Cần định hướng sớm và trực tiếp trải nghiệm nghề nghiệp
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, năm 2025, Sở GD-ĐT Hà Nội đã giao chỉ tiêu 64% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT công lập, tăng hơn năm trước gần 3%. Như vậy vẫn còn 36% học sinh có thể lựa chọn học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục tư thục hoặc giáo dục nghề nghiệp. “Tâm lý người dân Thủ đô đều muốn con tốt nghiệp THCS, THPT vào được đại học, nhưng hiện đào tạo nghề đã có minh chứng rõ nét, nhiều trường cao đẳng nghề đã có 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay. Bởi vậy, vấn đề tuyên truyền để định hướng nhận thức của học sinh là rất quan trọng để các em thực sự có cơ hội tiếp cận với nhiều lĩnh vực đào tạo phù hợp với năng lực, sở trường. Chính vì vậy, ngành giáo dục Thủ đô mong muốn ngày càng nhiều học sinh được tham gia, làm quen với môi trường đào tạo nghề nghiệp, được tư vấn, trải nghiệm nghề nghiệp thực tế… Điều này sẽ được thực hiện tại sự kiện “Ngày hội kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động” của Hà Nội” - ông Trần Thế Cương chia sẻ.
Chia sẻ những nét mới của “Ngày hội kết nối giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2025”, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, ngày hội năm nay có số lượng người tham gia đông hơn năm trước. Để tất cả học sinh đều được trải nghiệm, Ban tổ chức đã chia ca để các em có sự tiếp cận với những gian hàng, chủ sử dụng lao động, tham gia hội thảo... Để ngày hội thiết thực và hiệu quả, mỗi nhà trường sẽ cử cán bộ có chuyên môn, kỹ năng tư vấn tốt tham gia tư vấn cho học sinh. Tại ngày hội, các em được trải nghiệm thực tế một công đoạn sản xuất sản phẩm để có sự hiểu biết về nghề nghiệp, ví dụ như lắp ráp các phần mềm, chế biến món ăn, tìm hiểu mô hình,...
“Ngày hội kết nôi giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2025” có ký kết hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Về nội dung ký kết năm nay có sự mở rộng hơn, các doanh nghiệp không chỉ đặt hàng đào tạo lực lượng lao động mà rất chú trọng đến cung cấp trang thiết bị để các trường nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Các doanh nghiệp còn tham gia vào quá trình đào tạo, cử chuyên gia giỏi cùng đào tạo nghề và hướng dẫn các em học sinh, sinh viên trong quá trình thực tập.
Ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao chia sẻ: “Trong năm nay và các năm sau, lao động việc làm sẽ khó khăn, thị trường lao động nhiều thay đổi và đi theo xu hướng tinh giản, sáp nhập. Việc tư vấn những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao, có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp với mức lương tốt rất cần thiết với học sinh hiện nay”. Theo ông Khánh, một trong những điểm mới trong đào tạo nghề là sự tham gia ngày càng mạnh của các doanh nghiệp khi trực tiếp đầu tư và tham gia đào tạo cùng nhà trường. Điều này đem lại cơ hội thực hành, tiếp cận với kỹ năng nghề nghiệp thực tế cho học viên. “Năm 2024, trường chúng tôi đã thành lập 3 trung tâm hợp tác đào tạo với doanh nghiệp như: Hợp tác với Hiệp hội Thang máy để thành lập trung tâm đào tạo đầu tiên trong ngành nghề này; thành lập trung tâm công nghệ số... Việc tham gia đào tạo của doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo đầu ra cho học viên sau đào tạo. Học viên sẽ không phải lo lắng tìm việc làm sau khi hoàn thành khóa học” - ông Khánh cho biết.
Được biết, hiện tại, tỷ lệ phân luồng với học sinh tốt nghiệp THCS của Hà Nội đã đạt 18% học sinh theo học GDNN và mục tiêu của ngành sẽ tiếp tục nâng cao tỷ lệ này hơn nữa. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng thông tin, Hà Nội đang chờ thông qua Nghị quyết Chính sách hỗ trợ học sinh đào tạo nghề theo hướng miễn phí đào tạo. Hiện học sinh tốt nghiệp THCS học nghề đã được miễn 100% học phí. Tới đây, nếu Nghị quyết được thông qua, học sinh tốt nghiệp THPT học nghề cũng sẽ được miễn phí đào tạo.
Nhiều nhóm ngành nghề được săn đón tuyển dụng
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Nội vụ Hà Nội) cho hay, hiện các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng gần 3.000 chỉ tiêu ngay trong “Ngày hội kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động năm 2025”. Đáng chú ý là, nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển nhiều lao động tập trung vào lĩnh vực: Công nghệ sản xuất linh kiện điện tử, Công nghệ - cơ khí; Bàn - bar, bếp; Công nghệ ô tô; Kinh doanh - marketing. Được biết, để việc kết nối giữa người lao động và nhà tuyển dụng có hiệu quả, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã khảo sát các nhu cầu tìm kiếm việc làm của học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp, lực lượng lao động trên địa bàn qua hoạt động tiếp nhận thông tin tìm kiếm việc làm của người lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Sau đó, cán bộ Trung tâm tổng hợp nhu cầu tìm kiếm việc làm và mời các doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch việc làm.
Theo ông Lê Minh Thảo, đến thời điểm này, chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề của Hà Nội luôn vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Hà Nội đạt 74,2%, tỷ lệ giải quyết việc làm đạt 70-80%, một số ngành nghề đạt 100%, doanh nghiệp thậm chí còn cạnh tranh tuyển dụng trước khi học viên tốt nghiệp đào tạo nghề với một số lĩnh vực.