Từ đầu năm 2025 đến nay, trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, xuất hiện hàng loạt bài đăng kêu gọi từ thiện giả mạo dưới danh nghĩa các bệnh viện lớn tại Việt Nam.
Các bài viết này sử dụng nội dung và hình ảnh giống nhau, nhưng thay đổi số tài khoản và thông tin bệnh nhân. Thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo đã khiến nhiều người dân lầm tưởng và chuyển tiền ủng hộ vào các tài khoản giả mạo.
![]() |
Liên tiếp xuất hiện các fanpage giả mạo Bệnh viện kêu gọi từ thiện |
Các fanpage giả mạo mang tên các bệnh viện từ Trung ương như Bệnh viện K, Bệnh viện 108, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đến các bệnh viện địa phương như Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức...
Nội dung bài đăng trên các fanpage này giống hệt nhau, từ lời kêu gọi, hình ảnh, đến câu chuyện cảm động về hoàn cảnh của bệnh nhân. Điều khác biệt duy nhất chính là… số tài khoản ngân hàng.
Các đối tượng lừa đảo đã chạy quảng cáo với số lượng tương tác và chia sẻ cao, khiến bài viết nhanh chóng thu hút sự chú ý. Sau khi nhận được tiền quyên góp, chúng lập tức tạo Fanpage mới, thay đổi tên và số tài khoản để tiếp tục kêu gọi, khiến nhiều người lầm tưởng đây là những hoàn cảnh khác nhau.
Chị H.M.N chia sẻ, khi truy cập Fanpage Bệnh viện Phụ sản Trung ương, thấy có bài đăng trường hợp của 1 sản phụ có hoàn cảnh khó khăn, nhờ mọi người giúp đỡ. Vì lòng trắc ẩn, chị đã chuyển khoản hỗ trợ 1 triệu đồng. Đến khi đi thăm khám, nói chuyện với bác sỹ, chị N mới ngã ngửa khi biết mình gặp trang Fanpage giả mạo và chị không phải là nạn nhân duy nhất.
Còn với anh T.Đ.V, sau khi chuyển khoản ủng hộ từ thiện, anh có liên hệ với trang Fanpage của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 liền phát hiện mình đã bị chặn. Anh gọi điện thoại đến tổng đài mới hay mình đã chuyển nhầm số tiền ủng hộ cho tài khoản lừa đảo.
Theo các chuyên gia, người dân cần thận trọng khi tiếp nhận các thông tin kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội, bởi các đối tượng lừa đảo thường sử dụng hình ảnh và nội dung của các trường hợp thương tâm thực sự để tạo sự đồng cảm và kêu gọi quyên góp, nhưng lại sử dụng tài khoản cá nhân riêng để thu tiền.
Mặc dù các trang mạng xã hội như Facebook đã quản lý và gỡ bỏ một số trường hợp vi phạm, nhưng vẫn còn nhiều trang giả mạo khác được tạo ra liên tục.
Thượng tá Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó Trưởng khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân nhìn nhận khi thực hiện việc từ thiện, người dân cần hết sức cân nhắc và tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin; không thể chỉ nhìn hình ảnh, clip được đăng tải trên các web, thậm chí còn chưa kiểm chứng xem đây có phải là trang web giả mạo hay chính thống đã quyên góp từ thiện.
“Trường hợp đã nhìn thấy các hoàn cảnh thương tâm được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, chúng ta cũng có thể tìm hiểu bằng thực tế bên ngoài bằng nhiều kênh thông tin khác nhau. Tuyệt đối không nên chỉ dựa hoàn toàn vào một kênh thông tin đăng tải nội dung đó” – Thượng tá Nguyễn Thị Thanh Thùy khuyến cáo.
Các vụ việc giả mạo kêu gọi từ thiện không chỉ gây thiệt hại vật chất của những nhà hảo tâm mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của các bệnh viện và lòng tin của cộng đồng đối với hoạt động từ thiện. Người dân mong các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc để điều tra, xử lý nghiêm các hoạt động, đối tượng lừa đảo, đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm soát nội dung trên mạng xã hội nhằm ngăn chặn những hành vi tương tự.