Kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, Kiên Giang với Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng nay, 11/4, Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và Kiên Giang đã khai mạc tại Hà Nội trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Hà Nội 2024.

Hội nghị được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá những nét cơ bản về hình ảnh, thông tin và tiềm năng du lịch của 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đến với đại biểu các địa phương, doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc, đồng thời trao đổi kinh nghiệm, ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa hai khu vực.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội - Kiên Giang cùng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là các điểm đến có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch tự nhiên đa dạng và phong phú. Đồng bằng Sông Cửu Long là một trong 7 vùng trọng điểm du lịch của cả nước với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và mang tính đặc thù, độc đáo riêng gắn với biển đảo, sông nước, miệt vườn, chợ nổi… Đồng thời, là nơi giao thoa, hòa trộn các nền văn hóa dân tộc của người Kinh, Khmer, Chăm nên đã sớm hình thành hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn đặc sắc và giá trị.

Bãi Kem, Phú Quốc từng được đưa vào top 50 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh
Bãi Kem, Phú Quốc từng được đưa vào top 50 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh

Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực, chủ động hợp tác với các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, ký kết nhiều chương trình hợp tác phát triển du lịch với Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020 vào ngày 28/10/2016 tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, cùng tạo điều kiện, tổ chức kết nối và chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn triển khai các chương trình, sản phẩm du lịch mới, phù hợp với từng địa phương.

Việc tạo sân chơi kết nối cho các doanh nghiệp du lịch của các địa phương liên kết hợp tác xây dựng tuyến du lịch giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hà Nội là rất cần thiết.

Chính vì vậy, để triển khai có hiệu quả và cụ thể hóa các hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và các tỉnh, thành phố cả nước nói chung, tại hội nghị này Sở Du lịch Hà Nội và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phía Bắc lân cận Hà Nội: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc… đã ký kết biên bản thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch và đề xuất một số nội dung triển khai kế hoạch hợp tác về du lịch như: Tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp du lịch giữa các địa phương và cơ quan quản lý nhà nước, thống nhất xây dựng một số sản phẩm du lịch căn cứ trên thế mạnh đặc thù để kết nối chuỗi các sản phẩm du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phía Bắc lân cận Hà Nội.

Phối hợp kêu gọi, hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp có năng lực của Hà Nội nghiên cứu mở chi nhánh, văn phòng đại diện về du lịch, đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, vui chơi, nghỉ dưỡng tại các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phía Bắc lân cận Hà Nội.

Thị trấn Hoàng Hôn mang vẻ đẹp tựa thị trấn biển nước Ý với những dãy nhà nhiều màu sắc
Thị trấn Hoàng Hôn mang vẻ đẹp tựa thị trấn biển nước Ý với những dãy nhà nhiều màu sắc

Cùng với đó, phối hợp trong công tác truyền thông, tuyên truyền hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của các địa phương trên các kênh truyền thông. Xuất bản các ấn phẩm chung về du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh. Tham gia chương trình kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn Thành phố Hà Nội, trong đó tập trung quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp khởi hành từ thành phố Hà Nội.

Tổ chức các đoàn famtrip, presstrip, đoàn làm phim, nhiếp ảnh, youtuber đến tham quan, khảo sát các điểm đến du lịch nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến và xây dựng các tour du lịch hấp dẫn, độc đáo, có tính kết nối cao.

Ông Nguyễn Lưu Trung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện tại, Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện tốt việc đẩy mạnh liên kết - hợp tác, tăng cường xúc tiến - quảng bá du lịch, đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, làm mới sản phẩm du lịch...

Chợ nổi Cái Răng nhìn từ trên cao

Chợ nổi Cái Răng nhìn từ trên cao

Tổng số khách du lịch đến đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2023 đạt 44,9 triệu lượt khách, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó khách quốc tế là 1,8 triệu lượt khách, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu đạt hơn 45 ngàn tỷ đồng, tăng 42,59% so với cùng kỳ năm 2022.

Thông qua Hội nghị Xúc tiến quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và Kiên Giang tại Hà Nội hôm nay, các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch của các địa phương, nhất là các sản phẩm du lịch mới, sản phẩm du lịch chất lượng nhằm thu hút khách tham quan du lịch cùng trải nghiệm để các doanh nghiệp gặp gỡ giao lưu, hợp tác kết nối tour tuyến du lịch với các đối tác doanh nghiệp khu vực phía Bắc trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang mong muốn tiếp tục tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa và tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch, từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp; xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Đồng bằng sông Cửu Long hiện đại, đẳng cấp, chất lượng, thân thiện và an toàn.

Đồng bằng sông Cửu Long có tổng diện tích hơn 40.500 km2, tổng dân số gần 18 triệu người (2022), với hơn 386km đường biên giới với Campuchia, có các cửa khẩu quốc tế và quốc gia đã hình thành mối liên kết thuận lợi giữa khu vực với thị trường Campuchia, Thái Lan,… có 4 sân bay, gồm : 2 sân bay quốc tế và 2 sân bay nội địa, đặc biệt là sân bay quốc tế Phú Quốc.

Đây cũng là khu vực duy nhất của cả nước tiếp giáp Biển Đông và Biển Tây với bờ biển dài khoảng 750 km; hơn 360.000 km² vùng biển và đặc quyền kinh tế, có gần 200 đảo và quần đảo, đặc biệt là đảo Phú Quốc lớn nhất Việt Nam; gần tuyến hàng hải và hàng không quốc tế giữa Nam Á, Đông Nam Á, châu Úc và các quần thể khác trong Thái Bình Dương, một vị trí rất quan trọng trong giao lưu quốc tế.