Karaoke: Biến tướng tiêu cực là tất yếu

ANTĐ - Nhu cầu giải trí của nhân dân về karaoke ngày càng tăng cao, cung không đủ cầu nên xuất hiện nhiều hình thức biến tướng khác nhau, nảy sinh nhiều tiêu cực là tất yếu.

Không cấp phép càng có lợi

Theo quy định pháp luật về thuế, những cơ sở kinh doanh karaoke, ngoài việc chịu mức thuế như những ngành nghề khác (thuế giá trị gia tăng 10%, thuế môn bài và thuế thu nhập doanh nghiệp), hằng tháng còn phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 30% tổng doanh thu.

Nhiều người kinh doanh loại hình này cho rằng không cấp phép như hiện nay lại càng hay vì không phải đóng khoản thuế tiêu thụ đặc biệt. Chỉ cần trích một khoản trong số đó “làm luật”, các cơ sở kinh doanh không phép vẫn có lợi hơn nhiều so với hoạt động có giấy phép.

Nhiều năm qua, TPHCM chỉ có 468 cơ sở nằm trong quy hoạch, có giấy phép kinh doanh karaoke phải nộp khoản thuế này. trong khi đó, theo ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM, những cơ sở kinh doanh karaoke không phép là “không đếm xuể, rất khó đánh giá và cũng không thể đưa ra con số cụ thể”. đó là chưa kể còn có hơn 500 cơ sở phòng thu âm mà thực chất là kinh doanh karaoke không phải chịu khoản thuế tiêu thụ đặc biệt này.

Nhiều địa chỉ karaoke tại TPHCM là điểm hẹn giải trí
lành mạnh của thanh niên. (Ảnh chụp tại hệ thống karaoke Nice)

Được biết, bình quân doanh thu của rất nhiều cơ sở kinh doanh karaoke vào khoảng 30 triệu đồng/ngày. Chỉ tính riêng 500 cơ sở kinh doanh karaoke hoạt động dưới danh nghĩa phòng thu (tính từ giữa năm 2007 đến nay) không đóng 30% thuế tiêu thụ đặc biệt thì số tiền thuế thất thu của Nhà nước trong những năm qua là hàng trăm tỉ đồng.

Vì vậy, mức xử phạt từ 1,5 triệu đến 5 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh karaoke không đúng nội dung ghi trong giấy phép và mức từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh karaoke không giấy phép đã trở nên vô tác dụng trước nguồn lợi nhuận thu được từ hoạt động này.

Giấy phép thành hàng hóa

Thực tế có đến hàng ngàn cơ sở hoạt động karaoke trên địa bàn TPHCM nhưng số giấy phép được cấp chỉ đang giới hạn ở con số 468, điều này tạo ra tình trạng khan hiếm giấy phép làm nảy sinh hàng loạt vấn đề tiêu cực mà một trong số đó là nạn mua bán giấy phép.

Những người trong giới kinh doanh ngành nghề này cho biết giá chuyển nhượng một giấy phép karaoke trung bình từ 200 triệu đến 300 triệu đồng,  tùy theo khu vực nội thành hay vùng ven.

Việc chuyển nhượng này được hợp thức hóa bằng hình thức hai đơn vị hoặc cá nhân hợp tác kinh doanh nên dễ được các cơ quan chức năng hợp thức hóa. Sau đó, người chuyển nhượng rút tên khỏi “liên doanh” và người được chuyển nhượng toàn quyền sở hữu nó.

Tuy nhiên, cũng theo những người này, việc chuyển nhượng giấy phép cũng không ít tốn kém nếu muốn được các cơ quan có thẩm quyền của địa phương, nơi giấy phép dời đến, chấp thuận. Còn trường hợp địa chỉ chuyển nhượng giấy phép đi khác quận là hết sức phức tạp và khó khăn.

Hiện nay, rất nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú có gắn sao tại TPHCM có kinh doanh dịch vụ karaoke phục vụ khách lưu trú. Theo Luật Du lịch, các cơ sở lưu trú có tiêu chuẩn gắn sao được hoạt động kinh doanh karaoke nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn kinh doanh theo quy định của luật pháp về hoạt động của loại hình này.

Thế nhưng, vì chưa được TP đưa vào danh sách quy hoạch nên các cơ sở này hoặc đầu tư cơ sở vật chất rồi nhưng không hoạt động được do không có giấy phép hoặc hoạt động nhưng không có giấy phép của ngành quản lý chức năng.

“Đã đầu tư tiền của thì không thể không hoạt động nhưng hoạt động không phép thì cũng không yên với hết đoàn kiểm tra này đến đoàn kiểm tra khác mà lỗi vi phạm chỉ là hoạt động không phép”- một chủ doanh nghiệp khách sạn than thở.

Vì vậy, giấy phép trở thành thứ hàng hóa khan hiếm để người trong giới này kinh doanh mua bán trục lợi.

“Phép vua thua lệ làng”

Trong khoản 1 điều 31 Nghị định 103/CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1-1- 2010, mục thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép kinh doanh karaoke ghi rõ: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh karaoke ngoài cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng sao hoặc hạng cao cấp (các khách sạn từ 3 sao trở lên,  các biệt thự du lịch, căn hộ du lịch hạng cao cấp) có đủ điều kiện theo quy định phải được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch hoặc cơ quan cấp huyện được phân cấp cấp giấy phép kinh doanh”.

Trong khoản 3 điều 66 của Luật Du lịch Việt Nam, ban hành ngày 14-6-2005, mục Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh lưu trú du lịch ghi: “Loại cơ sở lưu trú du lịch quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 (khách sạn, làng du lịch, biệt thự, căn hộ du lịch) tại điều 62 của luật này đã được công nhận xếp hạng sao hoặc hạng cao cấp khi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có điều kiện không cần phải có giấy phép kinh doanh đối với từng hàng hóa, dịch vụ nhưng phải đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện”.

Như vậy, việc kinh doanh karaoke đối với các cơ sở ngoài lưu trú du lịch mới phải xin cấp phép, còn đối với các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng sao và hạng cao cấp thì chỉ cần đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng là đủ.

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM, từ năm 2006 tới nay, trên địa bàn TPHCM có 51 khách sạn được xếp hạng 3 sao nhưng tất cả những cơ sở này đều bị ngưng cấp phép hoạt động karaoke do vướng quy hoạch chưa xong của TP.

Rõ ràng là luật cũng không vượt qua được quy hoạch của địa phương. Có luật nhưng không có hiệu lực thi hành. “Phép vua” vẫn thua “lệ làng”.