Huyền hoặc giọng ca tuổi trăng rằm
(ANTĐ) - Gặp Thanh Hiền trong một buổi sáng xuân, dù đã được nhìn thấy em biểu diễn tại đình làng Giảng Võ vào thứ sáu hàng tuần nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước nét ngây thơ, trong sáng với mái tóc dài và đôi mắt biết nói của em.
Đoàn Thanh Hiền (trái) sở hữu giọng ca trong trẻo, quyến rũ |
Sự quyến rũ khó cưỡng
Đoàn Thanh Hiền hiện đang học lớp 5D, trường THCS Nguyễn Trung Trực (Quận Ba Đình). Ngoài giờ học trên lớp, Hiền còn tham gia trong CLB hát ca trù. Khi được hỏi “Hiền thích nhạc gì nhất”, em hồn nhiên nói “cháu thích nhất là nhạc dân tộc” và say sưa kể về lần đầu tiên em được theo mẹ đi nghe hát ca trù. Giọng hát luyến láy, hòa quyện với nhịp phách và tiếng đàn réo rắt như một ma lực cuốn hút em.
Và như có duyên phận với ca trù, trong một buổi biểu diễn đàn Tranh tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, nghệ nhân ca trù Phạm Thị Huệ, chủ nhiệm CLB ca trù Thăng Long đã “để mắt” và có ý định muốn dạy em hát. Và rồi cô bé quyết tâm xin bố mẹ cho sinh hoạt trong CLB ca trù. Hiện nay, Hiền là thành viên nhỏ tuổi nhất trong CLB ca trù Thăng Long do 2 nghệ nhân thuộc hàng “báu vật sống” là đệ nhất kép đàn Nguyễn Phú Đẹ và ca nương Nguyễn Thị Chúc thành lập năm 2006.
Lời kể say sưa của Hiền khiến tôi cũng bị lôi cuốn, vừa thích thú, vừa ngạc nhiên vì tôi nghĩ phần lớn lớp trẻ như các em hiện nay thường thích học các thể loại nhạc hiện đại vậy mà Hiền lại say mê với ca trù - một bộ môn nghệ thuật có từ xa xưa và khó hát, kén người nghe. Vậy mà đến nay, Hiền đã theo học tại CLB được gần 2 năm và được ca nương Phạm Thị Huệ trực tiếp giảng dạy.
Nhận thấy tài năng của Hiền, cô Huệ đã tận tình chỉ bảo những kỹ thuật hát, nhấn nhá, luyến láy cùng kỹ thuật gõ phách cho em... Trong 2 năm qua, cô “đào nương nhí” mê ca trù này đã không quản mưa nắng, gió rét hay những mệt mỏi vì việc học văn hóa ở lớp mà bỏ một buổi học ca trù nào. Hiền nói, Hiền mê ca trù vì những lời hát luyến láy, réo rắt, mê cả trang phục hát ca trù và kiểu tóc vấn khăn đặc trưng khi hát.
Qua lời kể của cô bé lớp 5 này, học ca trù phải học cả gõ phách, bởi lẽ hát ca trù không “hát chay” bao giờ, hát phải kèm với phách, bên cạnh đó, tư thế ngồi cũng khá quan trọng. Ngày đầu học hát ca trù, Hiền phải học thế ngồi sao cho khi hát, chân phải xếp bằng tròn, lưng thẳng. Ngồi hát không được đưa mắt, lộ răng mà hát vẫn “tròn vành, rõ chữ”.
Chuyến “tàu” về với quá khứ
Trời mùa đông càng về tối càng trở nên lạnh hơn, trong không gian ấm cúng, cổ xưa tại đình làng Giảng Võ, bên chén trà nóng hổi bốc hương thơm ngát, Hiền khoác trên mình bộ quần áo dân tộc, đầu vấn khăn, hòa mình vào không gian ca trù cùng những người lớn tuổi. Tiếng âm sắc trầm, đục của đàn đáy, nhịp phách lách cách giòn vang và ca từ réo rắt đượm tình người lan tỏa trong ngôi đình làng khiến những quan viên (người nghe) tại đây cảm thấy như đang trên một chuyến tàu chầm chậm quay về chốn kinh kỳ xa xưa.
Hiền khéo léo vừa cầm lá phách gõ vào cỗ phách, vừa thả hồn theo tiếng hát luyến láy khá điêu luyện khiến người nghe lặng đi, “Hồng hồng tuyết tuyết, mới ngày nào chưa biết cái chi chi, mười lăm năm thấm thoắt có xa gì. Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu…”.
Tiếng hát réo rắt của ca nương nhí vang lên khiến những người đam mê ca trù rùng mình. Bởi theo các quan viên tại đây, họ không chỉ bị thôi miên bởi giọng hát trong trẻo, cao vút làm mê đắm lòng người của Hiền mà còn bởi toàn bộ cử chỉ, thần thái, gương mặt, ánh mắt, đôi bàn tay của em đều toát lên một vẻ rất riêng, vừa mơ màng vừa tỉnh táo, vừa già dặn vừa ngây thơ, trong trẻo. Họ ngạc nhiên, bởi ít ai nghĩ rằng những người trẻ hiện nay lại thích chìm đắm vào khoảng lặng trầm tư và bình yên như vậy của ca trù.
Theo những người đam mê ca trù, đây là một môn nghệ thuật khó vì lời thơ của ca trù thường buồn, là tiếng lòng khi đau đớn, khi tha thiết của con người. Vì vậy, khi hát ca trù, các đào nương không cần há to miệng, không đẩy mạnh hơi từ buồng phổi mà ém hơi trong cổ, ậm ự mà lời ca vẫn rõ. Cách hát đó như tiếng nức nở, có khi lại như tiếng thở than.
Để trở thành một đào nương không phải là chuyện dễ, vì đào nương hội tụ nhiều tiêu chuẩn khắt khe như giọng hát, năng khiếu âm nhạc, sự kiên trì và nhất là lòng đam mê… Chính vì vậy, mặc dù đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới, nhưng ca trù hiện vẫn chưa được các bạn trẻ yêu thích rộng rãi. Vẫn còn rất ít những “đào nương nhí” yêu mến ca trù như Hiền.
“Ngã lãng du thời quân thượng thiếu. Quân kim hứa giá ngã thành ông. Cười cười nói nói sượng sùng. Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại. Riêng một thú Thanh Sơn đi lại. Khéo ngây ngây dại dại với tình. Đàn ai một tiếng dương tranh…”. Tiếng gõ và lời ca vẫn tiếp tục da diết làm say đắm lòng người. Gương mặt của các quan viên yêu mến ca trù như bừng sáng hơn, trong ánh mắt của họ ánh lên một tia hy vọng bởi có lẽ họ đã có thể đặt niềm tin vào các “đào nương nhí” như Hiền… Các em chính là thế hệ kế cận xứng đáng để ca trù sẽ mãi giữ được nét vẹn nguyên, vẻ đẹp sang trọng, quý phái, thấm đượm tình người.
Thu Hà