Huy động các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá là cách hiệu quả nhất để phát triển văn hoá của Thủ đô, để xây dựng một Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại.
Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Ngày 21-3, TP Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến giá trị.

GS.TS Đặng Cảnh Khanh, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thanh niên phân tích, bàn về khái niệm văn hiến và văn hiến Thăng Long, với tính chất trung tâm và hội tụ của mình, không nên nhìn nhận văn hiến Thăng Long- Hà Nội, con người Hà Nội bằng con mắt tĩnh mà cần phải tìm hiểu nó như một khái niệm động.

Theo ông, văn hiến Thăng Long - Hà Nội là sự hợp lưu của con người ở nhiều vùng miền, là tinh hoa của góp lại mà có. Nhà Lý quê ở Kinh Bắc, đã đưa văn hóa Phật giáo về góp mặt với Thăng Long. Nhà Trần quê ở Tức Mặc đã góp thiên tài về tổ chức quân sự ở đất Thiên Trường cho Thăng Long… Tất cả đã bổ sung cho Thăng Long, góp phần làm nên thành tựu đa dạng của văn hóa Thăng Long Hà Nội trong văn hóa Việt Nam.

“Chúng ta phải có trách nhiệm nghiên cứu, tìm hiểu những di sản quý báu đó, trước hết là tìm thấy nền tảng cơ bản của những di sản ấy, phân tích những yếu tố cấu thành, những nguyên nhân lịch sử đã tạo nên văn hiến Việt Nam và văn hiến Thăng Long" - GS.TS Đặng Cảnh Khanh nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ phát biểu tại Hội thảo

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nêu ý kiến: Thành phố Hà Nội đề ra việc xây dựng con người văn minh cũng có nghĩa là đòi hỏi mọi người phải luôn luôn vươn lên với tầm cao của văn hóa.

Xây dựng Thủ đô văn minh ngày nay phải được nhìn với mọi góc độ từ bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp.

Từ lý luận đó, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ góp ý, Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, các địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân đang sinh sống, làm việc hoặc tới Thủ đô công tác, tham quan du lịch chấp hành những quy chế về nếp sống văn hoá của Thủ đô. Xây dựng đời sống văn hoá từ trong gia đình, thôn, xóm, tổ dân phố, cơ quan, trường học, doanh nghiệp và mọi giai tầng xã hội...

Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, trên thế giới, hiếm có Thủ đô nào có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn 1.000 năm tuổi như Thủ đô Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo

Thủ đô Hà Nội được biết đến là “Thành phố di sản”, với quỹ di sản văn hoá vô cùng phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Hà Nội còn là “đất trăm nghề”, là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm", là “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, là thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO”…

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, đó chính là những tài sản vô giá để Thủ đô Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa, tiếp thêm sức sáng tạo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Ông nhấn mạnh, “văn hoá là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng một Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại. Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá là cách hiệu quả nhất để phát triển văn hoá của Thủ đô”.

Người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội nêu rõ, trong nhiều năm qua, Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Đặc biệt, thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, ngày 22/02/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội.

Thành phố cũng đã dành nguồn lực đầu tư 03 lĩnh vực: y tế, giáo dục - đào tạo và văn hoá giai đoạn 2022 – 2025 và các năm tiếp khoảng 49.200 tỷ đồng. Trong 2 năm 2021-2022, đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp Thành phố.

Điểm qua một số kết quả nổi bật trong năm 2022 cũng như các nội dung trọng tâm mà Hà Nội đã, đang triển khai, Bí thư Thành ủy Hà Nội mong muốn luôn có sự đồng hành, tham gia đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu bằng các luận cứ khoa học, trách nhiệm và tình cảm đối với Thủ đô về vai trò của văn hóa trong xây dựng và phát triển, tiếp tục làm rõ hơn nội hàm và giải pháp phát triển Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết thêm, trong năm 2023, thành phố đang triển khai đồng thời 3 nội dung quan trọng, đó là: xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, lập Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây cũng là cơ hội đặc biệt quan trọng để nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, chuẩn bị các luận chứng khoa học và thực tiễn để xây dựng thể chế, chính sách phát triển; định vị các không gian phát triển, chú trọng đến không gian văn hóa, huy động các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.