Thu gom, xử lý rác thải công nghệ

Hợp tác là chìa khóa bảo vệ môi trường

ANTĐ - Trong bối cảnh ngành công nghệ truyền thông và thông tin của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu sử dụng các sản phẩm phần cứng gia tăng làm phát sinh lượng chất thải điện tử đã tác động không nhỏ đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. 

Tháo dỡ, tái chế rác thải công nghệ tại các làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng 

Gia tăng mạnh mẽ chất thải điện tử

Ông Bùi Cách Tuyến - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ trong 5 năm qua với tốc độ tăng trưởng trung bình 45,5%/năm. Năm 2012, tổng doanh thu CNTT đạt 25,5 tỷ USD, tăng 86% so với năm 2011. Trong đó, doanh thu từ các thiết bị điện tử và phần cứng chiếm 94% tổng doanh thu ngành, đạt kỷ lục 23 tỷ USD. Chỉ số phát triển CNTT-TT của Việt Nam năm 2012 tiếp tục tăng 5 bậc, vươn lên xếp vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á.

“Sự phát triển nhanh chóng của ngành CNTT ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, điều này cũng bộc lộ những thách thức nhất định về môi trường. Với doanh số tăng trưởng hơn 100% mỗi năm trong vòng ba năm trở lại đây, sự gia tăng nhu cầu về thiết bị phần cứng ngày càng làm gia tăng số lượng thiết bị điện và điện tử thải loại hàng năm. Trước thực tế hoạt động thu gom và xử lý không đúng cách đang gây ra những tác động không nhỏ đối với môi trường và sức khoẻ cộng đồng, việc quản lý thiết bị điện và điện tử thải loại trở thành một trong những vấn đề cấp bách”, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh.

PGS.TS Huỳnh Trung Hải - Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) chỉ ra rằng: “Trong mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 tivi, thời gian sử dụng các thiết bị này ngày càng ngắn không phải do không sử dụng được mà do thay đổi công nghệ, thị hiếu. Ngoài ra các thiết bị văn phòng như máy in, máy tính cũng gia tăng mạnh. Điều này khiến việc kiểm soát chất thải điện, điện tử của các cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn”. 

Về trách nhiệm thu hồi và xử lý sản phẩm thải loại, ông Hoàng Minh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế (Tổng cục Môi trường) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 50/2013/QĐ - TTg ngày 9-8-2013 về thu hồi và xử lý sản phẩm thải loại và cơ quan chức năng đang xây dựng thông tư hướng dẫn chi tiết Quyết định số 50.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia nhìn chung vẫn còn thiếu các văn bản pháp luật để hình thành một hệ thống quản lý hiệu quả chất thải điện, điện tử nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu các tác động tới môi trường cũng như tăng cường ý thức cộng đồng trong vấn đề chất thải điện, điện tử.

Giải pháp nào? 

PGS.TS Huỳnh Trung Hải cho biết: “Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng theo nghiên cứu của chúng tôi lượng thải thiết bị điện, điện tử gia tăng trong khoảng 20-25% mỗi năm, đây là loại nguồn thải có tốc độ gia tăng cao nhất trong đô thị. Việc thu gom hiện nay chủ yếu theo kiểu “đồng nát”, cách thu gom không chính thức này lại rất hiệu quả. Việc tháo dỡ cũng do các cơ sở không chính thức thực hiện nhằm thu hồi các vật liệu có thể tái chế hoặc còn sử dụng được như sắt, thép, đồng, nhôm, nhựa, thủy tinh và linh kiện, bộ phận diễn ra chủ yếu tại các làng nghề tái chế như Tràng Minh, Bùi Dâu, Phan Bôi, Tề Lỗ, Văn Môn...

“Dòng thải gia tăng lớn nhưng công nghệ tái chế lạc hậu gây tác động tới môi trường, sức khỏe con người và sản xuất các sản phẩm chất lượng không cao. Cho đến nay chỉ có 3 đơn vị được coi là có các dây chuyền công nghệ tái chế chất thải điện, điện tử thành phẩm”, ông Huỳnh Trung Hải cho biết thêm.

Trước tác động không nhỏ tới môi trường, Nhóm các tập đoàn công nghệ thông tin và truyền thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm 8 tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ như Apple, Canon, Dell, Lenovo, HP, Panasonic, Sony và Toshiba đã phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) triển khai dự án nghiên cứu thu gom và xử lý chất thải điện, điện tử tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. 

Bà Monia De Vera-Jacob – Thành viên Nhóm các tập đoàn công nghệ thông tin cho rằng: “Các nhà sản xuất cần tạo thành một nhóm, hợp tác là chìa khóa thành công của mô hình thu gom. Nhóm công nghệ thông tin đã đề xuất chương trình thí điểm với mục tiêu là đề xuất cách thức thu gom tái chế chính thức tại Việt Nam. Đồng thời tìm và khắc phục những điểm cần cải thiện của chương trình, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng”.

Các chuyên gia nhấn mạnh, để hệ thống thu gom được thực hiện thành công, cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm giữa tất cả các bên liên quan, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, cơ sở phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom, cơ sở sửa chữa, trung tâm thu gom, cơ sở tháo dỡ và tái chế. Cơ quan quản lý có trách nhiệm theo dõi và giám sát các bên thực hiện đầy đủ vai trò và nghĩa vụ của mình, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động tháo dỡ và tái chế thông qua việc thực thi các tiêu chuẩn môi trường và quy chuẩn kỹ thuật tái chế.