Hồn quê trên phố Thụy Khuê - một vùng văn hóa lâu đời

ANTD.VN - Con phố nào ở Hà Nội giữ được nhiều cổng làng cổ kính nhất? Một ngày ta đi lang thang đâu đó và ngỡ ngàng khi giữa một thành phố dường như toàn nhà cao tầng bỗng bắt gặp những cổng làng mang một vẻ trầm kính xa xưa trên một con phố có cái tên rất dịu dàng - phố Thụy Khuê.

Phố Thụy Khuê dài dằng dặc, như một lần tôi đã nói, đó là một trong những phố cổ thuộc loại dài nhất trong khu vực nội đô. Thụy Khuê dài trên 3km, gần như nằm song song với sông Tô Lịch xưa. Phố chạy qua 3 phường cổ là Thụy Khuê, Hồ Khẩu và Yên Thái xưa. Những làng ở nơi này nổi tiếng với nghề làm giấy, nấu rượu, ướp chè sen và không phải chỉ riêng người Hà Nội, người Việt hầu như ai cũng thuộc câu ca dao này:

“Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương

Mịt mù khói tỏa ngàn sương

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.

Cái câu cuối cùng chính là nói đến nghề làm giấy của Yên Thái xưa. Tiếng chày Yên Thái là đại diện cho tiếng chày làm giấy của mấy làng thuộc kẻ Bưởi: Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã... xưa. Bây giờ nghề làm giấy của vùng Kẻ Bưởi gần như thất truyền nhưng đi trên con phố chạy qua những làng cổ đó, người ta vẫn ấn tượng bởi các cổng làng. Thực ra những ai sinh ra ở nông thôn, nhất là vùng đồng bằng Bắc bộ thì càng trân quý vẻ đẹp của những chiếc cổng làng. Một cái cổng đơn sơ, cổ kính, bước qua cổng làng là như bước về nơi sinh chốn quen thuộc, có mẹ cha, họ hàng và những phong tục lễ giáo được bảo tồn. Mỗi cổng làng có một kiểu kiến trúc riêng và qua cổng làng là như bước vào một vương quốc thu nhỏ của nông thôn Việt Nam. 

Những chiếc cổng làng bình dị mang dấu ấn của làng Việt cổ xưa nằm trên phố Thụy Khuê 

Các cổng làng xưa hầu như không còn, nhất là ở các thành phố lớn, thế nhưng đi dọc phố Thụy Khuê, nhất là đoạn cuối gần chợ Bưởi, ta lại dễ dàng bắt gặp những cổng làng xưa cũ trầm mặc. Lòng thấy nao nao. Những cái cổng mang những cái tên nôm na, dân dã, chỉ cần đọc lên đã thấy vẻ bình dị, cổ xưa của một thời dĩ vãng: cổng Hồ Khẩu, cổng Hầu, cổng Giếng, cổng Chùa, cổng Đông, cổng Cái, cổng Xanh… Có những chiếc cổng khá lớn, bề thế, là lối đi rộng rãi như một con phố, lại có những cổng rất nhỏ chỉ hai xe đi vừa, dẫn vào những cái ngõ dài hun hút. Những cái cổng bình dị ấy mang dấu vết của làng Việt cổ xưa…

Điển hình nhất về cổng làng trên phố Thụy Khuê có thể kể đến cụm cổng của làng Hồ Khẩu với 3 cổng lớn uy nghi, vững chãi. Ở trong cổng lớn nhất, người dân họp chợ, một cái chợ quê yên bình, giản dị nhưng có đủ các mặt hàng. Còn những cổng Giếng, cổng Hầu gần đó thì giống như một nếp nhà nho nhỏ che nắng mưa, từ bên ngoài nhìn vào đã thấy thư thái mở ra một khoảng bình yên. Ngày xưa, cổng làng là nơi trồng cây to, quán nước, giờ không gian đô thị đông đặc hơn thì cổng làng vẫn có những quán hàng nho nhỏ: hàng ăn sáng, quán trà đá và rất đông người đến ngồi nói chuyện.

Phố Thụy Khuê, ngoài các cổng làng đặc sắc còn có rất nhiều đình chùa cổ. Những di tích nổi tiếng có thể kể đến: đền Đồng Cổ có từ thời Lý liên quan tới hội thề trung quân, liêm chính; đền Vệ Quốc thờ Vệ Quốc đại vương; đình An Thái…, và tôi muốn dừng một chút ở vị thần chủ của đình An Thái.

Đình An Thái thờ ông Dầu, bà Dầu. Ông Dầu, bà Dầu là ai? Theo truyền thuyết kể lại thì ngày xưa có một người tên là Vũ Phục quê ở Bạch Hạc, Vĩnh Phú lấy vợ người làng Xuân Tảo (nay thuộc Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Hai vợ chồng Vũ Phục chuyên làm nghề bán dầu. Thời đó, một vị vua nhà Lý bỗng dưng bị mắc bệnh đau mắt chữa mãi không khỏi, khi đi xem quẻ thầy phán rằng: Vua bị đau mắt là do nước sông Tô Lịch xoáy vào chân thành Đại La. Muốn chữa khỏi bệnh thì phải làm tế lễ thần sông Tô Lịch. Cách tế như sau, buổi sáng sớm bắt lấy người nào đầu tiên đi qua chỗ đó và ném xuống sông.

Phố Thụy Khuê ngày nay 

Số phận nghiệt ngã, Vũ Phục là người mang dầu bán sớm đi qua đoạn sông đó, người ta liền bắt lấy và ném xuống sông tế thần. Người vợ quá đau xót cũng đâm đầu xuống sông chết theo. Sau lễ tế, vua khỏi bệnh liền bắt các làng xung quanh lập đền thờ tạ ơn. Ông Dầu, bà Dầu trở thành vị thành hoàng làng Yên Thái và một số làng xung quanh.

Câu chuyện ông Dầu, bà Dầu toát lên hai điều. Thứ nhất, dấu vết của thần Tô Lịch được lưu truyền với nhiều cung bậc và tục hiến tế người sống từng tồn tại. Thứ hai, lòng thủy chung, ân tình của người đàn bà kia thật đáng khâm phục. Vào trong ngôi đình cổ, thắp một nén hương, nghe lại câu chuyện năm xưa, lòng người không khỏi bồi hồi…

Phố Thụy Khuê còn có một di tích khá đặc biệt, đó là miếu Cố Lê ở ngõ 124 thờ những quan lại đã chạy theo Lê Chiêu Thống sang bên kia biên giới sau trận chiến của vua Quang Trung đánh tan giặc Thanh năm Kỷ Dậu, 1789. Nên nhớ rằng Lê Chiêu Thống chính là người đã cầu cứu quân Thanh tiến vào nước Việt. Miếu do vua Gia Long cho lập dựng. Có thể vua Gia Long có quan điểm riêng hay do giữa Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ là những kẻ thù nên Gia Long đã thương xót những kẻ đã bị Nguyễn Huệ đánh bại? Hoặc có thể so sánh với miếu thờ mà chính vua Quang Trung đã cho phép Hoa kiều lập để siêu thoát cho những người Hoa tử trận sau trận đánh ở gò Đống Đa…

 Nhà văn Uông Triều

Phố Thụy Khuê còn có một ngôi trường nổi tiếng - trường Bưởi. Đi qua phố dễ dàng nhìn thấy cổng trường mang một kiểu cổ điển đặc trưng và những mái nhà cổ thấp thoáng trong những tán cây xanh. Đầu đường Thụy Khuê nét nhấn là ngôi trường cổ kính, cuối đường là những cổng làng và rải rác khắp tuyến phố là những đình chùa, miếu cổ… Con đường vừa thấm đẫm hồn quê của một vùng văn hóa lâu đời, vừa chứng minh không gian phố xá đã mở rộng, phát triển đến từng ngõ ngách của Hà Nội xưa.