Hơn 600 người ở Trung Quốc bị lừa tiền bảo hiểm

ANTĐ - Lẽ ra vợ của ông Trương ở Trung Quốc đã có thể lĩnh tiền bảo hiểm hưu trí từ tháng 7 năm nay, nhưng khi ông đi lĩnh thay vợ, mới biết tài khoản bảo hiểm của vợ ông thiếu gần 60.000 NDT (khoảng 200 triệu đồng). Đáng chú ý, gia đình ông Trương là một trong số hơn 600 người khác trong vùng đã bị lừa tiền dưỡng già.

Hơn 600 người ở Trung Quốc bị lừa tiền bảo hiểm ảnh 1Hơn 600 người ở Tảo Trang bị lừa tiền bảo hiểm hưu trí

Trao niềm tin, nhận thất vọng

Ông Trương Tự Tin là người quận Thị Trung, thành phố Tảo Trang (tỉnh Sơn Đông). Vợ ông không có việc làm ổn định, vì muốn giảm gánh nặng cho con trai và cũng để vợ ông có một khoản tiền bảo hiểm khi tuổi già đang đến, tháng 4-2014, ông Trương tới Chi nhánh Bảo hiểm lao động thuộc Cơ quan Bảo hiểm xã hội và nguồn nhân lực quận Thị Trung hỏi về cách làm sổ bảo hiểm hưu trí cho vợ. “Nhân viên bảo tôi đến gặp ông Trần Tuấn Toàn - Phó Giám đốc chi nhánh này - người phụ trách mảng bảo hiểm hưu trí. Vợ tôi sinh năm 1960, ông Trần khuyên tôi nên mua bảo hiểm loại 20 năm để hưởng nhiều ưu đãi” - ông Trương nhớ lại.  

 Theo lời khuyên, ông Trương nộp tiền bảo hiểm gộp thành 2 lần, lần thứ nhất nộp 10.831 NDT (dồn từ tháng 1-2013 đến tháng 12-2014), lần hai nộp 57.480 NDT (dồn từ năm 1996 đến 2012). Trần Tuấn Toàn đưa ông Trương một tài khoản ngân hàng và bảo ông nộp tiền vào tài khoản này, với cam kết Trần sẽ chuyển tiền từ đây vào ngân quỹ của Chi nhánh Bảo hiểm lao động.  “Sau khi nộp tiền thành công, ông ta đưa tôi một quyển sổ bảo hiểm hưu trí và ở mục tiền nộp mỗi năm đều có con dấu chuyên dụng của chi nhánh này cũng như con dấu riêng của ông Trần” - ông Trương cho biết.

Tháng 8-2015, ông Trương đi lĩnh tiền bảo hiểm thay vợ thì mới ngã ngửa khi nghe nhân viên thông báo giấy tờ cho thấy ông chỉ nộp tiền bảo hiểm năm 2013 và 2014, thời gian trước năm 2013 ông chưa nộp đồng nào. “Mất nhiều tiền đến thế, tôi thật chỉ muốn chết” - ông Trương phiền não.

Tuy nhiên, trường hợp của ông không phải duy nhất ở Tảo Trang. Ông Hà Đồng Cát - một người bán hàng rong gặp tình huống tương tự với số tiền bị mất là 110.000 NDT. Ông Hà cho biết đã đưa tiền cho Trần Tuấn Toàn, khi ông hỏi về hóa đơn, “Trần nói sẽ đưa sổ bảo hiểm có con dấu ghi lại từng năm đã nộp tiền, sau này cứ yên tâm lĩnh tiền, không cần hóa đơn biên nhận”. “Chi nhánh Bảo hiểm lao động thuộc Cơ quan Bảo hiểm xã hội và nguồn nhân lực quận Thị Trung là đơn vị Nhà nước, ông Trần lại là Phó Giám đốc Chi nhánh” - ông Hà trình bày lý do tin vào lãnh đạo này.

“Ôm tiền”, lãnh đạo mất tích 

Khi nhiều người bị lừa kéo đến trụ sở Chi nhánh Bảo hiểm để tìm câu trả lời cho số tiền đóng bảo hiểm hưu trí của mình, cơ sở trả lời: “Ông Trấn Tuấn Toàn cáo bệnh nghỉ dài ngày, sau đó mất tích từ tháng 4 năm nay và hiện đang bị truy nã”.

Ông Trương Hiếu Đông, Giám đốc Chi nhánh Bảo hiểm này cho biết, phần lớn tiền của hơn 600 người dân đã bị Trần Tuấn Toàn chiếm hữu, “tiền qua tay Trần đều không được nộp vào quỹ của chi nhánh, Trần chỉ nộp làm tin một phần tiền bảo hiểm cho người dân, số còn lại hắn “ôm” hết” - ông Trương Hiếu Đông cho biết.

Việc Trần Tuấn Toàn biển thủ thành công trong nhiều năm bị người dân nghi ngờ có sự dung túng của cấp trên. Tuy nhiên, khi được hỏi câu này, ông Trương Hiếu Đông giải thích, ông không hề hay biết sai phạm là “vì anh ta có thâm niên lao động lâu dài (từ cán bộ rồi mới lên lãnh đạo), lại là nhân viên trong ngành bảo hiểm nên mưu tính che giấu sai phạm rất tinh vi”!