Hồi sinh những “không gian chết”

ANTĐ - Văn hóa mua sắm tại các trung tâm thương mại của người Mỹ đang “chết” dần. Được biết từ năm 2006, nước Mỹ không xây dựng thêm bất kỳ trung tâm thương mại nào nữa. Thế nhưng, trong tình trạng đóng cửa, sập tiệm hàng loạt đó, vẫn có một số trung tâm thương mại “sống khỏe” nhờ có lối đi riêng.

Giữa kinh tế khó khăn, Plaza Fiesta vẫn đón tới 4 triệu lượt khách năm 2013

Kinh tế Mỹ tăng trưởng bùng nổ nhất là từ đầu thập niên 1950 đến 1970. Niềm đam mê mua sắm của người Mỹ khởi đầu với trung tâm thương mại đầu tiên mang tên Southdale, ngoại ô Minneapolis khai trương năm 1956. Giữa những năm 1950, Mỹ xây dựng đồng loạt 54.000 dặm đường cao tốc, giao thông vận tải xuyên suốt trở thành động lực cho hàng hóa lưu thông. Giai đoạn từ 1956 đến 2005, trên khắp nước Mỹ có 1.500 trung tâm thương mại, trong đó Mall of America, một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới rộng trên 450.000m2 với các cửa hàng, công viên giải trí, thậm chí một nhà nguyện làm lễ cưới…  

Thời kỳ hoàng kim đó đã qua. Ngày nay, các trung tâm thương mại trên khắp nước Mỹ đang “chết mòn”, dần biến thành “thị trấn ma” bởi các gian hàng và nhà hàng bỏ trống hàng loạt. Người Mỹ đã không xây thêm trung tâm mua sắm nào mới kể từ năm 2006, trong khi dự báo một nửa số trung tâm sẽ đóng cửa trong 15-20 năm tới. Với sự bùng nổ của Internet và thay đổi trong thói quen mua sắm, khách hàng đã không còn mặn mà với trung tâm thương mại. “Tại sao bạn phải vất vả đi tới một trung tâm mua sắm trong khi hoàn toàn có thể mua mọi thứ chỉ cần một chiếc điện thoại, vấn đề ở chỗ đó”, một chuyên gia kinh tế phân tích.

Tuy nhiên, trái ngược với thực tế đó, ở ngoại ô Atlanta, người ta đang chứng kiến một trung tâm mua sắm hồi sinh. Năm 2005, ông Jose Legaspi đã quyết định mua lại và chuyển đổi một trung tâm thương mại đã đóng cửa thành Plaza Fiesta -  được thiết kế đặc biệt cho những người Mỹ Latinh gốc Tây Ban Nha. Legaspi đã biến “không gian chết” thành điểm đến không thể thiếu ở một số thành phố có cộng đồng di dân lớn.

Qua tìm hiểu, Jose Legaspi phát hiện cộng đồng người nói tiếng Tây Ban Nha ở Atlanta tăng gấp 3 lần từ năm 1990 đến 2000 và họ rất coi trọng văn hóa gia đình, trong khi không có không gian chung để các gia đình tụ họp. “Mua sắm không chỉ có nghĩa là giày dép, quần áo, nhà hàng. Đó còn là nơi mà mọi người có thể nghe nhạc, thư giãn và dành thời gian cho các thành viên trong gia đình”, ông Legaspi nhận định.

Plaza Fiesta hiện có 280 gian hàng, trong đó có cả phòng khám bệnh và nha sỹ. Trung tâm mua sắm này cũng có dịch vụ làm tóc, đổi tiền, đáp ứng mọi nhu cầu như trong một ngôi làng của người Mexico. Trước cửa trung tâm thương mại này có một trạm xe buýt để đón hơn 4 triệu lượt du khách trong năm 2013. Và để chiều khách, chủ trung tâm thương mại này tổ chức biểu diễn ca nhạc vào chủ nhật để mọi người đến đây thư giãn.

Hiện nay, để lấp đầy các gian hàng trống đã ngừng kinh doanh vì vắng khách, nhiều trung tâm thương mại ở Mỹ đã mở thêm các phòng tập thể dục, khu vui chơi, cửa hàng làm tóc, nhà hàng, cho thuê văn phòng hay trường học. Tuy nhiên, từ giải pháp kinh doanh ở Plaza Fiesta có thể rút ra bài học: Hãy chú ý đến thay đổi trong thói quen tiêu dùng của cộng đồng khách hàng và cung cấp cho họ những gì họ không thể có được nếu chỉ ngồi trước máy tính. Các trung tâm mua sắm sẽ hồi sinh nếu biết khai thác yếu tố trải nghiệm, giải trí vì chỉ có những điều thú vị mới có thể kéo khách hàng ra khỏi điện thoại thông minh và thương mại điện tử để dành thời gian đi mua sắm.