Hồi quang làng văn
(ANTĐ) - Tôi đến trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam - số 9 phố Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội thì gặp nhà văn Đỗ Chu và mấy nhà văn nữa tôi chưa biết tên. Ông Đỗ Chu nom... “mới” quá, dù nhận ra nhau ngay. Hỏi: “Để râu từ bao giờ?”.
Đáp: “Hơn một năm rồi!”. Thế ra là từ dạo 64 tuổi mụ đấy – năm nay 66 rồi. Hai mắt vẫn sáng nhói như mắt con sóc đang chuyền cành. Râu cằm hoe hoe dài hơn nửa gang tay, nom không già đi, mà thêm vẻ lành lành, phúc hậu. Ngắm ông... trẻ, sực nhớ: Bao lâu rồi chưa nhìn thấy nhau ấy nhỉ? Có lẽ từ Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 6.
Trước nữa là ở ngã tư Bà Triệu - Trần Quốc Toản ngay dưới lòng đường, ông nhìn tôi chằm chằm, giọng không đùa: “Bác là ai ấy nhỉ? Tôi nói: “Mình cũng chẳng biết nữa!” và đường ai người nấy đi. Vậy mà đã thăm thẳm, không ngờ lâu đến thế. Có lẽ vì luôn gặp Đỗ Chu ở bài viết, chân dung trên các Báo Văn Nghệ, An ninh Thủ đô cùng sách, báo khác, nên cứ như là đã, đang gặp nhau rồi. Đỗ Chu và truyện ngắn “Hương cỏ mật” tôi đã gặp trên Báo Văn nghệ từ năm 1960. Tôi mê truyện ngắn ấy. Mãi đến hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ hai tại Hà Nội, tôi và Đỗ Chu mới biết mặt nhau, vào năm 1970. Từ đấy quen nhau, cũng ít gặp gỡ.
Thi thoảng nhà văn ghé tòa soạn Báo Thiếu niên Tiền phong ở 15 Hồ Xuân Hương đưa bài viết cho tôi đăng báo. Tôi nhớ có truyện ngắn: “Mẹ thân yêu”. Đỗ Chu từ hồi còn trẻ đã cởi mở, hồ hởi nhưng không vồ vập. Cứ tỉnh tỉnh, vui vui, với ai cũng bắt chuyện được và có chuyện trên trời dưới biển để nói, làm quen, có thể thân thiết hay chỉ vui vui, hóm hỉnh, thân thân thế thôi, song độp một nhát có câu nói khiến người nghe phải nghĩ ngợi, không biết là thật hay đùa nhưng không hề ác ý.
Quen biết nhau đã lâu, từng chén đầy chén vơi trên chiếu rượu - chỉ không say mềm, đến thăm nhau tại nhà riêng, mến mộ nhau. Một lần thấy tôi có cô bạn gái thân, mấy bận Đỗ Chu gặp ở nhà người quen, khi ấy Đỗ Chu không nói gì, cũng không bắt chuyện. Bẵng vài tháng, chợt gặp tôi ở cầu thang tòa soạn Báo Thiếu niên, Đỗ Chu vừa bước vừa nói lúc chỉ có hai chúng tôi với nhau: “Có yêu thì chọn đứa đẹp mà yêu...”.
Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội |
Yêu cái đẹp, ý tưởng ấy đã toát ra qua từng câu, từng trang văn của Đỗ Chu. Trong giao tiếp và ứng xử, vẻ nền nã và cả lúc bỗ bã cũng có nhiều cung bậc, khiến khó mấy ai mà bực bõ hoặc ghét Đỗ Chu được. Còn nhớ vào tháng 9-1976, tôi được đi Liên Xô. Cùng chuyến máy bay ấy, có đoàn nhà văn Việt Nam được Hội Nhà văn Liên Xô mời cũng vào dịp lễ trọng của nước bạn, đoàn có 4 người gồm 2 nhà văn nam là Anh Đức và Đỗ Chu và một nhà văn nữ, một nhà thơ nữ nữa.
Sang tới nước bạn, hai đoàn đi hai hướng khác nhau. Đoàn nhà văn có mang về câu chuyện vui: Số là, có bạn nhà văn Liên Xô nói với Đỗ Chu: “Hai nữ nhà văn không được xinh lắm!”. Đỗ Chu tủm tỉm cười, nghĩ nhanh rồi trả lời một cách vui vẻ, nhã nhặn: “À… con gái Việt Nam xinh đẹp, cô nào cũng thích làm diễn viên điện ảnh, sân khấu, ca sĩ hoặc làm nghề khác.
Cô nào không đẹp thì mới viết văn và làm thơ thôi”. Tài viết văn của Đỗ Chu ai cũng biết. Nhà văn giao du rộng, quen biết nhiều, đủ mọi tầng lớp xã hội. Không có gì là xa lạ đối với ông. Tử vi ư? Ai thích, ông lập số cho. Giỏi tán, song chẳng tán gái bao giờ. Giỏi chuyện, song ông không đàm đạo chuyện văn chương, chữ nghĩa với ai hoặc diễn thuyết về văn học. Nhưng ông ngẫm nghĩ sự đời, con người bằng tấm lòng nhân hậu, nhân ái, chắt chiu dành cho ngòi bút.
Ở ông không có vẻ sang, chứng tỏ mình là Đỗ Chu. Thời trẻ sống nghèo, không kêu, không vay mượn. Tuổi trung niên, chị Nhu (vợ ông) lâm bệnh nặng, ông tất tưởi đưa vợ từ Bắc Ninh ra Hà Nội chữa chạy, không cầu cứu ai. Lo méo mặt mà chất con người Đỗ Chu lúc nào cũng phát tiết, trang văn cứ ngời ngợi. Hẳn là một phẩm chất lãng mạn, tin đời mang phong thái Đỗ Chu. Chẳng mấy nữa, ông ngồi vào chiếu “thất thập”.
Bắt tay Đỗ Chu, chẳng nói được chuyện gì. Nhớ suốt.
Phong Thu