Tối hôm đó, người học trò đề đạt nguyện vọng với thầy. Vị hiền triết nhìn người học trò của mình một lúc lâu rồi hỏi: “Con có chắc chắn rằng mình học đã đủ rồi, không cần học thêm nữa không?”. Người học trò vô cùng tự tin trả lời ngay: “Thưa thầy, con nghĩ kiến thức con thu thập được trong hơn ba năm qua đã quá đầy đủ rồi, đầu con giờ đã chật, không thể tiếp nhận thêm được nữa”. Nhà hiền triết gật đầu, ông lấy ra một chiếc bát đặt lên bàn, rồi ông bốc một nắm sỏi ngoài hiên để đầy vào chiếc bát, hỏi học trò: “Con thấy bát đã đầy chưa?”.
Người học trò đáp đã đầy rồi, nhà hiền triết lại bốc tiếp một nắm cát thả từ từ vào chiếc bát, cát theo những khe hở của các viên sỏi, len lỏi chảy xuống, ông lại hỏi người học trò của mình bát đã đầy chưa, người học trò xem xét kỹ rồi trả lời: “Thưa thầy, giờ thì đã đầy thật rồi ạ”. Nhà hiền triết không nói gì, ông lặng lẽ lấy một nắm tro rắc lên mặt chiếc bát tưởng chừng như không thể chứa gì thêm rồi lại hỏi học trò đã đầy chưa, lần này người học trò quả quyết bát đã rất đầy rồi không thể thêm gì được nữa.
Nhà hiền triết mỉm cười cầm ấm nước trà từ từ rót vào chiếc bát, nước chảy đến đâu, ngấm vào tro vào cát đến đấy cho đến khi hết cả ấm nước, không tràn ra một giọt nào khiến người học trò kinh ngạc. Tâm, trí anh ta như được khai sáng, anh ta đã hiểu ra. Quỳ sụp xuống xin lỗi thầy, người học trò nhận ra mình còn quá nhỏ bé trong biển tri thức của nhân loại, anh xin vị hiền triết được ở lại học tiếp.
Một danh nhân của nhân loại đã từng nói: Học, học nữa, học mãi và thực tế đúng là như vậy, con người ta càng trưởng thành càng thấy kiến thức của mình càng thiếu, vì vậy đừng bao giờ tự phụ hay cao ngạo về kiến thức của mình, cho rằng mình chỉ cần đến một mức nào đó là đủ bởi kiến thức bao la, chỉ có những người luôn khiêm tốn học hỏi, không biết tự mãn thì mới có thể đi tới đỉnh cao của tri thức và thành công trên đường đời.