Học giả quốc tế phản đối hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam

ANTĐ - Sau khi chính thức có thông tin tàu Trung Quốc đâm và phun vòi rồng vào tàu Việt Nam trên vùng biển Việt Nam mà Bắc Kinh đặt giàn khoan trái phép, nhiều chuyên gia về an ninh và đối ngoại quốc tế cùng chung quan điểm cho rằng, hành động của Trung Quốc là nguy hiểm.

Tiến sĩ Ian Storey

Bà Theresa Fallon, chuyên gia cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu châu Á ở Brussels (Bỉ) nhận định, động thái của Trung Quốc là “cơn ác mộng tồi tệ nhất” đối với ngành công nghiệp năng lượng trong khu vực và khiến Việt Nam phẫn nộ. “Đây là một giàn khoan khổng lồ, nó có kích cỡ tương đương với hai sân bóng đá”, bà Fallon nói.

Một quan chức cao cấp trong Chính phủ Mỹ cho biết, Nhà Trắng xem vụ leo thang mới nhất là một phần trong cách hành xử của Trung Quốc khi nước này tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền của mình. “Rõ ràng chúng tôi rất quan ngại về vụ việc. Chúng tôi đã chuyển những quan ngại này tới phía Trung Quốc”, vị quan chức trên cho biết. 

Ông Ian Storey, chuyên gia cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, đánh giá, cuộc đối đầu đang diễn ra trên Biển Đông là “một tình huống chưa từng có tiền lệ”. Việc Trung Quốc huy động số lượng lớn tàu tại khu vực có giàn khoan Haiyang Shiyou 981 là dấu hiệu rõ ràng cho thấy nước này “quyết tâm đảm bảo rằng giàn khoan này có thể hoạt động ở vùng biển mà nó đã được hạ đặt”.

Trong khi đó, Giáo sư Jonathan D. London, một học giả về Việt Nam tại trường Đại học City ở Hồng Kông (Trung Quốc) nói với tờ Time rằng, Trung Quốc đang chuyển từ giai đoạn bành trướng trong các tuyên bố chủ quyền sang giai đoạn áp dụng các biện pháp cụ thể để thực thi các tuyên bố chủ quyền này. 

Giám đốc Chương trình nghiên cứu Đông Nam Á tại CSIS Ernest Bower

Các chuyên gia an ninh cho rằng, tình trạng leo thang căng thẳng mới nhất trên Biển Đông là kết quả tích lũy sự ngờ vực từ lâu của các quốc gia trong khu vực đối với những ý định của Trung Quốc cùng với các hành động ngày càng táo tợn của Bắc Kinh, cũng như thiếu các cơ chế ngăn chặn và xử lý khủng hoảng. Vụ đụng độ trên cũng cho thấy vai trò của các công ty năng lượng nhà nước Trung Quốc trong việc giúp thúc đẩy các tham vọng chủ quyền của Trung Quốc.

Trước đó, khi ra mắt giàn khoan nước sâu này vào năm 2012, lãnh đạo Tổng Công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc từng mô tả nó như một “vũ khí chiến lược” đối với ngành công nghiệp dầu mỏ Trung Quốc. Trong khi đó, Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên trong ngành dầu khí Trung Quốc cũng cho rằng, động thái của Trung Quốc hoàn toàn mang động cơ chính trị. “Điều này phản ánh ý chí của Chính phủ Trung Quốc và cũng liên quan tới chiến lược của Mỹ ở châu Á. Đây không phải là một quyết định có động cơ thương mại”, quan chức này nói.

Thành viên Chương trình nghiên cứu Đông Nam Á tại CSIS Gregory Poling

“Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan của họ ngay sau chuyến công du 4 nước châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào cuối tháng 4 là nhằm kiểm tra quyết tâm của Việt Nam, các nước ASEAN và Mỹ”, chuyên gia Ernest Bower và Gregory Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington (Mỹ) nhận định. Cũng theo hai chuyên gia này, Bắc Kinh có thể đang nỗ lực thay đổi hiện trạng trên Biển Đông trong lúc Washington bận tâm bởi các sự kiện ở Ukraine, Nigeria và Syria. “Cách hành xử mới nhất của Trung Quốc ở phía nam quần đảo Hoàng Sa có thể gây hậu quả lâu dài cho khu vực và toàn cầu”, ông Ernest Bower và Gregory Poling đánh giá. 

Giáo sư Jonathan D. London

Trong khi đó, đề cập đến Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), chuyên gia Ian Storey cho rằng, văn kiện này có khả năng không được hiện thực hóa trong vòng 2 năm tới. “Lập trường chính thức của ASEAN là mong muốn sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Nhưng tốc độ đàm phán lại do Trung Quốc quyết định. Theo quan điểm của tôi, nước này muốn kéo dài các cuộc đàm phán càng lâu càng tốt. Chính vì vậy, không thể sớm đạt được COC khi một bên không muốn như vậy”, ông Ian Storey nói.