Hoa Việt đã tìm được chỗ đứng

ANTD.VN - Những người sinh trước thời kỳ đổi mới, hồi tưởng về những bó hoa thị thành, họ chỉ nhớ được hồi ấy đến ăn còn thiếu thốn, nên  với nhiều người, bó hoa xuất hiện chỉ một lần vào dịp trọng đại nhất - ngày cưới.  Ngày nay, chúng ta rất dễ bắt gặp những gánh hàng hoa trên đường phố Hà Nội

Một bó hoa trong đám cưới ngày xưa

Hoa gắn bó với đời người

Theo chị Phượng Nguyễn - người sáng lập chuỗi cửa hàng hoa tươi Liti Florist: “Bây giờ, hoa xuất hiện thường xuyên trong đời sống của con người. Người ta tặng hoa: khi em bé sinh ra, nhân dịp sinh nhật, tặng cô giáo, trong lễ tốt nghiệp, khi thăng chức, cầu hôn, hoa cưới, lúc về hưu…”. Người phương Tây, họ mua hoa theo định kỳ như mua thịt, cá, rau trong siêu thị để trang trí nhà cửa. Những năm gần đây, người Việt dường như đã gần gũi với hoa hơn.

Cuộc sống bao bề bận rộn, họ coi hoa như một thứ ngôn ngữ gửi gắm, biểu đạt cảm xúc. Ví như có những bó hoa mang hàm nghĩa cảm ơn, xin lỗi,  hay chúc  sức khỏe… thậm chí có cả hoa chia tay. Một cô gái khi mắc lỗi trong tình yêu đã gửi hoa kèm tâm thư chia tay, lưu lại những hồi ức, sự trân trọng dành cho người ấy. Và xúc động, một anh khi biết vợ mình ung thư đã tặng một bó hoa tuyệt đẹp trong buổi ăn tối riêng của hai người, anh muốn dành sự quan tâm, động viên vợ qua bó hoa trang nhã, tinh tế.

Những mẫu hoa độc đáo đang được ưa chuộng

Kinh doanh hoa cũng là nghệ thuật

Việt Nam đã xuất khẩu những bông hoa cẩm chướng, cúc, hoa hồng đến nhiều quốc gia trên thế giới như Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Kinh doanh hoa cũng là nghệ thuật, nhưng ở nước ta  nhiều người nghĩ đây là công việc lao động tay chân. Họ cho rằng, cô này hoặc chị kia không có nghề  nghiệp ổn định thì mới nghĩ đến việc kinh doanh hoa.

Vì thế, họ không được đào tạo về kiến thức, thẩm mỹ, bố cục, màu sắc… Tại Việt Nam ngoài các trung tâm dạy nghề có dạy cắm hoa, chưa có một trường lớp nào dạy nghề hoa chuyên sâu và bài bản. Bởi tại Hà Lan, một người muốn làm hoa phải theo học suốt 3 năm, sau 3 năm lại tiếp tục chọn ngành trồng cây.

“Tuy nhập khẩu các loại hoa từ các nước Columbia, Ecuador, Kenya, Ethiopia, Hà Lan… nhưng khi thiết kế những bó hoa, tôi không muốn bỏ phí vẻ đẹp tuyệt vời của hoa nội địa” - chị Phượng chia sẻ. Bất ngờ là khi chị kết hợp bông lúa với hoa nước ngoài, nhiều bạn trẻ không nhận ra đó là bông lúa mà tưởng hoa nhập khẩu. Hoặc có loài hoa ngoại chị thử nhập về, lại bình dị và có hình dáng như hoa rau muống.

Những bó hoa Việt đương đại vừa giữ được bản sắc truyền thống, tổng thể hài hòa cùng hoa châu Mỹ, châu Âu. Người làm hoa Việt với đam mê đã không ngừng đi Anh học tập kiến thức, sang Trung Quốc xem hội chợ hoa, hoặc cất công kết nối với chuyên gia Hà Lan để được trao đổi kinh nghiệm. Họ đã có những sáng tạo, hội nhập mới, vì vậy người có nhu cầu  mua hoa có nhiều chọn lựa hơn.  Việc một ai đó đặt bó hoa chục triệu đồng, sắm hoa Tết hơn trăm triệu, chi hàng tỷ đồng để trang trí đám cưới bằng hàng triệu bông hoa tươi đã không còn là chuyện hiếm. 

Những bông hoa Việt đã tìm được chỗ đứng. Những  cửa hàng hoa có những cạnh tranh khốc liệt, hứa hẹn một ngành công nghiệp hoa ở Việt Nam khởi sắc. Vậy thì những gánh hoa rong, những hàng hoa vỉa hè liệu một ngày nào đó sẽ biến mất, hay sẽ hòa chung và cùng dịch chuyển tạo nên bộ mặt của sự phát triển?