Hoa tàn

ANTĐ - Thoạt đầu chỉ là một chấm xanh bật ra từ rìa lá. Lá quỳnh phiến dài thượt, dầy nặng mà riềm lại khía như nét hoa văn sóng lượn. Còn hoa quỳnh vào buổi chiều hè này, đã cho tôi một giấc mộng dị thường. Quỳnh nở từng giây tích tắc, cho con người được mắt thấy sự sinh nở âm thầm kỳ lạ của tự nhiên. 

Bạn tôi, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hậu bấm cú máy đầu tiên thì cánh hoa he hé. Ôi, vẻ trắng tinh thuần khiết của hoa! Ôi, cái đẹp hé lộ, rụt rè quá, kín đáo quá, chập chờn kỳ ảo quá, khiến tôi đã có lúc nghẹt thở vì được tiếp xúc với một cái gì đó siêu tầm. Tới khi quỳnh mãn khai vẽ một đường cong trắng mờ nhung lụa mượt mà với lòng hoa mở hết cỡ và không gian chật hẹp của căn buồng thoảng một thoáng hương thanh tao, thì tôi rơi vào trạng thái rưng rưng, sợ hãi. Tôi đã bắt gặp cái hoàn thiện, viên mãn tròn đầy! Tôi đã thấy cái tột đỉnh, tận cùng! Quỳnh đã nở hết độ, đã phô diễn cái đẹp ở cõi vĩnh hằng, đã siêu thoát khỏi đời thường trở thành phi thực.

Bạn tôi đã bấm xong cú máy cuối cùng, hỉ hả vì có được một bộ ảnh miêu tả từng cung độ nở của hoa quỳnh, anh đóng máy, nhóm bếp dầu, bắc lên một cái xoong nhỏ và rót mỡ.

Hoa quỳnh đã lìa cuống. Như một hình ảnh phù du của thực tế, giờ chẳng còn chút hồi quang, đoá hoa tàn quắt lại, nhợt nhạt, như một búp khoai môn, một vật thể đơn thuần hồn đã lìa thân, chỉ còn là cái xác phàm.

Tôi không dám ăn đoá hoa tàn sào mỡ mà bạn tôi nói là bổ lắm. Tôi không dám nhìn hoa quỳnh tàn.  Không dám đối mặt với cái mãn cuộc, cái kết thúc.  Trong khi đó, tôi được biết, Brigitte Bardo (B.B.), nữ nghệ sĩ điện ảnh Pháp tài danh được người đời ca ngợi là con người có lòng can đảm chứng kiến sự tàn lụi của tuổi già của chính mình. B. B. ở tuổi ngoại sáu mươi, sống cô độc với những con chó, con mèo bà nuôi. Ở ta, nghệ sĩ Thanh Tú cũng cho tôi một hình ảnh tương tự Brigitte Bardo.

Tác giả Khánh Linh trên số báo An ninh Thế giới số 60, tháng 1 năm 2013 viết về Nghệ sĩ Thanh Tú cho biết :  Vào tuổi 32, nữ nghệ sĩ đã ở độ đỉnh cao của nhan sắc và nghệ thuật. Người Thủ đô hẳn còn nhớ, khi chị đóng vai quận chúa Minfo trong vở kịch Âm mưu và Tình yêu, khán giả yêu kịch phải đặt vé trước 4 tháng. Trong vai Tanhia ở vở kịch cùng tên, chị  lừng lẫy với diễn xuất kỷ lục 1200 đêm. Năm 1977, lần thứ 4 chị giành giải thưởng nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Nhưng chị đã biết dừng lại. Và khi chạm tuổi 60, nghệ sĩ đã đón nhận sự cô đơn và tuổi già như một sự thường tình. Nghệ sĩ nghĩ:  Cuộc sống tổng không đổi.  Khi đã ở đỉnh cao thì cần ngộ ra rằng, mình không thể vượt qua được cái bóng của mình. Dừng lại để phúc phận cho con cháu.  Tác giả bài báo về chị, viết: Nghệ sĩ đã để lại một khoảng sáng rực rỡ trên bầu trời nghệ thuật.

Tôi không có gan nhìn hoa quỳnh tàn, tôi thấy mình như có lỗi khi trông thấy cái đẹp bị tàn phai. Nhưng dẫu thế nào thì, với tôi, cái đẹp của hoa quỳnh vẫn không bao giờ lụi tàn, nó tồn tại vĩnh cửu ở cõi siêu hình. Hãy để cái đẹp huy hoàng ở cõi tâm tưởng siêu thường.  Tiếc thay, ở đời, đâu có phải ai cũng được như Thanh Tú và B. B. Rất nhiều người nuối tiếc và tìm mọi cách níu kéo thời vinh quang trẻ trung của mình. Tội nghiệp! Ỷ lão mãi lão, ỷ vào tuổi già họ đem bán cả tuổi già. Đến mức có bậc trưởng lão không kìm được lòng tham, phải rơi vào vòng lao lý và gây trò cười cho thiên hạ.