“Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua phát triển văn hoá - du lịch”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua phát triển văn hoá - du lịch” là chủ đề Tọa đàm do Tạp chí Công Thương tổ chức.

Thời gian gần đây, việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả nhất định, không chỉ qua các kênh phân phối lớn nhỏ trong nước, mà còn được tiêu thụ nhiều hơn qua các kênh thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của mình qua các hoạt động văn hoá - du lịch. Thông qua những tuần hàng, lễ hội văn hoá hay chương trình kích cầu du lịch đã thu hút rất nhiều khách tiêu dùng trong nước và quốc tế đến trải nghiệm trực tiếp sản phẩm.

Đây cũng là một trong những kênh phân phối tiềm năng, đã hỗ trợ rất nhiều cho việc phát triển thương mại và tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Từ những kinh nghiệm thực tiễn của địa phương, doanh nghiệp đã gắn phát triển văn hoá - du lịch với hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khu vực này như thế nào? Và giải pháp nào để tận dụng hơn nữa lợi thế từ các hoạt động trải nghiệm văn hoá du lịch trong tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?

Những vấn đề này được làm rõ hơn trong Toạ đàm với chủ đề “Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua phát triển văn hoá - du lịch” do Tạp chí Công Thương tổ chức.

Dự Toạ đàm có ông Lộc Kim Liễn - Phó Giám đốc Sở Công Thương Tuyên Quang; TS. Nguyễn Minh Phong - Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam; ông Võ Văn Tài - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Rừng.

Tại Tọa đàm, ông Lộc Kim Liễn - Phó Giám đốc Sở Công Thương Tuyên Quang chia sẻ chủ trương, cách thức mà tỉnh Tuyên Quang đang chỉ đạo, triển khai để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của địa phương trong thời gian qua.

Theo ông Liễn, những năm vừa qua, sau khi có Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh đã quan tâm đến chất lượng hàng hóa, cũng như phát triển thương hiệu hàng hóa cho sản phẩm nông sản. Về tiêu thụ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại thì Tuyên Quang vẫn tiêu thụ hàng hoá qua rất nhiều kênh phân phối, vừa truyền thống, vừa hiện đại. Như việc đưa vào siêu thị, vào các trung tâm thương mại lớn, các cửa hàng, cửa hiệu có thương hiệu; và qua các kênh truyền thống như các chợ, các thương lái và đặc biệt là trong năm vừa qua, cùng với việc phát triển du lịch - văn hóa thì việc tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang đã có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Thông qua các hoạt động này, du khách đến Tuyên Quang rất đông, đặc biệt là qua Lễ hội Thành Tuyên của tỉnh tổ chức hàng năm đã thu hút du khách đến tham quan rất nhiều, và đối tượng cũng rất phong phú. Khi đến Tuyên Quang thì khách du lịch cũng muốn mua những sản phẩm của địa phương đó, có thể mua để sử dụng hoặc đem về làm quà tặng.

“Phương thức tiêu thụ thông qua hoạt động văn hoá - du lịch là một kênh tiêu thụ hữu ích và giúp cho bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa tại tỉnh Tuyên Quang có thể bán cũng như giới thiệu được sản phẩm của mình đến với thị trường và với bà con nhân dân khắp cả nước biết đến. Đặc biệt là các sản phẩm hiện nay đang có những chỉ dẫn địa lý như cam sành, bưởi hay chè shan tuyết tỉnh Tuyên Quang hiện nay đang được khách hàng ưa chuộng và tin dùng”, ông Liễn nhấn mạnh.

Ở góc độ chuyên gia,TS. Nguyễn Minh Phong đã có những đánh giá sâu sắc khác. Có thể nói, trên thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, trong đó có nông nghiệp và cùng với sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của du lịch thì ngày càng có sự xâm nhập lẫn nhau giữa hai lĩnh vực này. Tất cả tạo ra một sự cộng hưởng lẫn nhau, giữa sự phát triển của du lịch và nông nghiệp, đặc biệt là nó giúp cho việc quảng bá được mạnh mẽ hơn văn hóa của các nước ở các vùng miền mà nó gắn với du lịch nông nghiệp này.

Ở Việt Nam, đang có một sự phát triển dần theo hướng đó. Trên thực tế Việt Nam là một cường quốc nông nghiệp, thể hiện rất rõ ở chỗ chúng ta đã có hàng chục sản phẩm nằm trong top đầu xuất khẩu thế giới, và chúng ta đã có hàng trăm năm lịch sử phát triển nông nghiệp với những kinh nghiệm rất quý, du lịch cũng đang là một trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, đứng thứ 25 trên thế giới về tài nguyên du lịch, và chúng ta đứng thứ 75 thế giới tiềm năng khách du lịch.

“Sự kết hợp giữa giữa nông nghiệp và du lịch, đặc biệt là ở những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa đó trong thời gian gần đây đang có sự gắn kết khá rõ rệt”, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh và nhìn nhận, tất cả những sự kết hợp như vậy, đã giúp cho thay đổi dần quy mô cũng như tính chất và hiệu quả của hoạt động du lịch, cũng như tạo điều kiện cho sự phát triển của nông nghiệp. Thông qua không chỉ các kênh truyền thống như là bán hàng tại chợ hoặc là thông qua các siêu thị hoặc là những hình thức khác thì việc khách du lịch đến tại vườn ăn ở và thu hái, mua sắm đã tạo ra một sự trải nghiệm mới cho du khách, đồng thời cũng là một kênh tiêu thụ tại chỗ, giúp chohoạt động sản xuất nông nghiệp có đầu ra một cách đều đặn hơn và hiệu quả cao hơn. Hơn nữa điều này còn giúp quảng bá trực tiếp thông qua những phản ánh của du khách về các đặc sản đó và từ đó làm tăng giá trị, sức hấp dẫn của các sản phẩm nông nghiệp gắn với vùng du lịch.

Đồng tình với quan điểm của TS. Nguyễn Minh Phong và đại diện lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang, ông Võ Văn Tài - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Rừng chia sẻ về hành trình doanh nghiệp hơn 15 năm xây dựng và giữ gìn, phát triển văn hóa thổ cẩm; nhất là các sản phẩm của Công ty đã được các du khách nước ngoài rất ưa chuộng và mua làm quà mỗi khi đến tham quan và du lịch tại Sa Pa.

Theo ông Tài, thương hiệu đến với công ty của ông một cách “hữu xạ tự nhiên hương”.Hình thức ban đầu chỉ là những mảnh thổ cẩm thô sơ, nhưng khi Sa Pa bắt đầu mở cửa và phát triển du lịch, nhu cầu trang trí nội thất cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay, nhà hàng gắn liền với văn hóa bản địa cũng phát triển và chính từ đó, doanh nghiệp đã phát triển những sản phẩm thổ cẩm của mình.

Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Rừng đang hướng tới xây dựng một khu đặc thù nghề, để cho các bạn học sinh, các bạn trẻ khi đến đây được trải nghiệm ngoài việc đi đến những nơi thăm quan, check in, thì khi vào khu nghề Thổ cẩm Lan Rừng sẽ được trải nghiệm như là được tập dệt, tập thêu hoặc tập vẽ sáp ong trên những tấm vải hay là tập nhuộm chàm. Và khi làm ra những sản phẩm đó thì du khách có thể mang về được ngay.

Đây là một sự đột phá và khi du khách trong và ngoài nước tới, sẽ cảm thấy rằng không nhàm chán mà ngược lại còn cảm thấy thích thú. Chính cái này mình vừa là tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm tại chỗ mà vừa truyền bá được văn hóa thổ cẩm địa phương ra thế giới.