Hình ảnh về Tây Mỗ ở thời kỳ đầu của quá trình đô thị hóa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Daniel Frydman là một thầy giáo, một nhiếp ảnh gia người Pháp đã có tuổi và yêu Việt Nam. Vừa qua, vào dịp Tết, ông đã có triển lãm ảnh "Dạo quanh Tây Mỗ" ở sân đình Tây Mỗ với nhiều bức ảnh chụp cách đây 10 năm, khi quá trình đô thị hóa bắt đầu tiến gần hơn tới một vùng từng là ngoại thành của Hà Nội.

Trong những năm đầu của quá trình đô thị hóa, vào những năm 2011-2012, một nhiếp ảnh gia người Pháp, ông Daniel Frydman đã chụp hàng nghìn bức ảnh về Tây Mỗ. Hơn một trăm bức ảnh trong số này đã được xuất bản thành sách ảnh "Dạo phố ở Tây Mỗ" (Piétons de Tây Mô).

Cùng với nhiếp ảnh gia Daniel Frydman, những thành viên trong Ban quản trị trang "Tây Mỗ quê hương tôi" đã lựa chọn trong số đó 60 bức ảnh để tổ chức triển lãm " Dạo quanh Tây Mỗ" diễn ra từ ngày 30 Tết đến hết mùng 10 Tết.

60 bức ảnh được chia thành 5 chủ đề: Các công trình tín ngưỡng, Quang cảnh, Cảnh sinh hoạt đời thường, Cổng và nhà cổ, Hiện đại hóa, triển lãm đã mang đến cho những người dân Tây Mỗ một cái nhìn về quê hương, để thấy những gì đã biến đổi, đã mất đi, những gì còn lại và sẽ trường tồn với năm tháng.

Nhiếp ảnh gia Daniel Frydman (người thứ hai từ trái sang) nhận bài thơ mà bà con Tây Mỗ tặng ông làm quà kỉ niệm

Nhiếp ảnh gia Daniel Frydman (người thứ hai từ trái sang) nhận bài thơ mà bà con Tây Mỗ tặng ông làm quà kỉ niệm

Thể theo nguyện vọng của tác giả, các bức ảnh chỉ được đánh số mà không có tiêu đề. Chỉ đơn giản là những bức ảnh này là câu chuyện của người dân Tây Mỗ. Tay máy này chỉ làm một việc, giống như một cú hích nhẹ để ngôi làng của những người dân nơi đây được trân quý theo cách khác đi một chút.

Daniel Frydman cho biết, nghệ thuật nhiếp ảnh đã đưa ông đến Việt Nam để tìm hiểu về người dân nơi đây. Chính sự tình cờ, và tình bạn đã kéo ông về Tây Mỗ, một ngôi làng chẳng sớm thì muộn sẽ biến mất và trở thành một khu đô thị Hà Nội. Bởi vậy, ông đã tự giao cho mình nhiệm vụ lưu giữ lại những nét đặc sắc của một ngôi làng để thấy nó khác với phố thị ra sao.

So với thời điểm cách đây gần mười năm khi ông chụp những bức ảnh này, đô thị đã tiến gần hơn ngôi làng. Một ý nghĩ khác cũng quan trọng không kém xuất hiện trong Daniel Frydman là việc đi tìm lại thế giới tuổi thơ, những ánh sáng và màu sắc còn mãi trong trí óc chúng ta.

"Đối với một người nước ngoài, việc này rất khó mường tượng, và thi thoảng tôi tha thẩn dạo bước, cố coi mình như một đứa trẻ Tây Mỗ, nghĩ đến một quả bưởi đẹp đẽ lơ lửng treo trên một bức tường gạch đỏ. Một hình ảnh quá đỗi bình thường ở Tây Mỗ, nhưng tôi tin chắc rằng tất cả những ai đã lớn lên ở mảnh đất này sẽ còn khắc sâu trong tim họ hình ảnh ấy, ấn tượng ấy", nhiếp ảnh gia chia sẻ.

Triển lãm ảnh nằm trong khuôn khổ một hoạt động bảo tồn di sản. Trong tiếng Pháp, từ "di sản" có chung nguồn gốc với từ "Tổ quốc", tức là từ "cha" trong tiếng La tinh. Di sản chính là những gì mà cha ông ta để lại, và nhiếp ảnh gia Daniel Frydman nhận thấy rằng, đối người Việt Nam nói chung và những người dân Tây Mỗ nói riêng, việc gìn giữ nguyên vẹn di sản này là một việc khó khăn, bởi đôi khi nó đối nghịch với sự hiện đại mà con người luôn vô cùng khát khao có được.

Daniel Frydman sinh tại Paris ngay sau chiến tranh. Trước khi đến với nhiếp ảnh, ông là một thầy giáo. Daniel Frydman chỉ chụp ảnh khi đã về hưu. Tại Pháp, ông từng triển lãm ở Verneuil, Paris, Cahors, Saulieu... Tại Việt Nam, ông từng triển lãm ở Hà Nội (nhân dịp 1000 năm Thăng Long) và Đà Nẵng.

Daniel Frydman đã xuất bản gần 30 sách ảnh, với hơn 25 cuốn về Việt Nam, trong đó phải kể đến "Phụ nữ ở Việt Nam", "Theo chân đoàn tàu Bắc Nam", "Sành điệu ở Hà Nội", "Nhà thờ ở Nam Định", "Ngõ hẹp ở Hà Nội", "Dạo chơi giữa trái tim Việt Nam".

Các bức ảnh tại triển lãm "Dạo quanh Tây Mỗ" của Daniel Frydman: