- Nhếch nhác tuyến đường đầu tiên dành cho xe đạp tại Hà Nội
- Lối đi bộ ven sông Tô Lịch nhếch nhác với những hình ảnh phản cảm
Theo quan sát, hệ thống lan can, rào chắn tại các dòng sông Sét (quận Hoàng Mai), sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng) đang có những dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.
Tại khu vực sông Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nhiều đoạn lan can không còn nguyên vẹn. Thậm chí, hàng lan can tại sông Kim Ngưu chảy qua đoạn đường Tam Trinh đã… biến mất.
Đoạn lan can hỏng trên sông Kim Ngưu được thay thế bằng cách chăng dây tạm thời |
Sinh sống trên đường Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, 5 năm qua, ông Nguyễn Đức Khải cho biết, hệ thống lan can tại đây đã xuống cấp, hỏng hóc nhưng không được sửa chữa, mà được chẳng buộc tạm bợ bằng những sợi dây rất mong manh.
Rác thải đổ sát những đoạn lan can nghiêng ngả |
“Những đoạn lan can bị mất thế này rất dễ gây nguy hiểm, rủi ro cho người già và trẻ nhỏ vào buổi tối nếu không chú ý. Một vài đoạn lan can còn trở thành nơi tập kết rác thải trông rất nhếch nhác, mất mĩ quan đô thị”, ông Khải phản ánh.
Ông Khải và nhiều người dân xung quanh khu vực mong muốn rằng, đoạn lan can bên sông Kim Ngưu sẽ sớm được sửa chữa, thay mới để người dân an tâm hơn khi di chuyển qua khu vực này.
Tình trạng tương tự xảy ra tại khu vực sông Sét, quận Hoàng Mai. Nhiều đoạn lan can tại con sông này cũng đang dần hoen gỉ, lung lay do lâu ngày không được cải tạo. Một vài chỗ trở thành bãi tập kết rác thải.
Hình ảnh xấu xí, mất an toàn ở nhiều tuyến sông tại Hà Nội |
Thường xuyên đi dạo, tập thể dục ven sông Sét, bạn Nguyễn Đức Toàn, 19 tuổi tỏ ra bức xúc với tình trạng trên: “Những dòng sông vốn là nơi nhiều người qua lại, điều tiết dòng chảy và tạo cảnh quan cho môi trường nhưng nay lại đang không được quan tâm, khiến các hạng mục xuống cấp”.
Là một con sông lớn, chảy qua nhiều khu vực trong nội thành Hà Nội nhưng sông Tô Lịch cũng đang xuất hiện những đoạn lan can xiêu vẹo, gây nguy hiểm cho người dân. Khu vực sông Tô Lịch chảy dọc phố Vũ Tông Phan và Thượng Đình, quận Thanh Xuân, xuất hiện nhiều đoạn không có rào chắn kéo dài cả trăm mét. Một vài đoạn chỉ được “vá” tạm thời bằng những tấm bạt, sợi dây sơ sài.