Hiểu đúng để phòng ngừa nguy cơ, sử dụng xe điện an toàn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không riêng xe điện (xe máy điện, xe đạp, ô tô điện), mà tất cả các thiết bị tích điện đều tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Trên thực tế, xe điện chính hãng tỷ lệ xảy ra cháy nổ là vô cùng thấp. Điều quan trọng nhất là nguy cơ dẫn đến hiểm họa do chính người sử dụng hoặc không được trang bị kiến thức, nhận thức, hoặc thậm chí, phớt lờ quy định đảm bảo an toàn cháy, nổ khi sử dụng thiết bị mà nhà sản xuất đưa ra.

Những lỗi ý thức chủ quan...chết người

Trao đổi với PV ANTĐ, Thiếu tá Nguyễn Danh Luân, cán bộ Cục CS PCCC&CNCH Bộ Công an nhấn mạnh: đầu tiên là mỗi người dân chủ động trang bị kiến thức nhất định khi sử dụng thiết bị tích điện. Cùng với đó, mỗi người phải có được kỹ năng sinh tồn, thoát hiểm, và phải có phương án thoát hiểm ngay tại ngôi nhà, cơ quan nơi mình sinh sống, làm việc. Không thể mỗi khi xảy ra cháy, chúng ta lại đổ lỗi và có ý “kỳ thị” tất cả là do thiết bị điện gây nên.

Theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến - Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, tất cả các thiết bị tích điện đều có thể gây cháy trong quá trình sạc, nếu như chất lượng thiết bị kém, thời gian sử dụng lâu hoặc sử dụng không đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Từng trực tiếp tham gia, chỉ đạo công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ rất nhiều vụ cháy, Thượng tá Đỗ Anh Quyến chia sẻ: thực tế có nhiều vụ cháy xuất phát từ việc sạc điện thoại, sạc máy tính, sạc vợt bắt muỗi cắm điện, sạc xe điện... qua đêm.

Thói quen của nhiều người sau mỗi ngày đi làm việc, học tập về, thường cho xe vào nhà và cắm điện để sáng mai đầy pin đi làm tiếp. Sự chủ quan hoặc thiếu kiến thức đảm bảo an toàn PCCC này là nguyên nhân khiến trong đêm, thiết bị có thể bị chập nguồn sạc, hoặc pin đầy, rơ-le sạc lỗi, hỏng không tự ngắt, dẫn đến việc nổ pin, gây cháy và lan sang phương tiện khác.

Xe điện thân thiện với môi trường

Xe điện thân thiện với môi trường

Làm gì để khi xảy cháy, thiệt hại và nguy cơ được giảm thiểu tối đa?

Câu trả lời là hiểu và tuyệt đối tuân thủ quy định an toàn PCCC. Việc tuân thủ quy định là điều sống còn. Và việc trang bị các thiết bị thoát nạn, cứu nạn, cùng kỹ năng sinh tồn là hết sức cần thiết mà mỗi người cần phải có để tăng cơ hội sống khi gặp nạn.

Trở lại câu chuyện – nguy cơ thiết bị sạc điện chập, cháy. Đơn cử như chiếc xe điện; khi sạc xảy cháy, thao tác đầu tiên là dùng bình bột, bình bọt thông thường, cố gắng huy động tối đa thiết bị và phun áp lực mạnh nhất ngay khi phát hiện sớm, lửa còn nhỏ.

Thiếu tá Nguyễn Danh Luân, cán bộ Cục CS PCCC&CNCH Bộ Công an phân tích, việc chập cháy pin xe điện thường tạo ra nhiệt lượng mạnh, cháy dạng “phì” lửa từ trong ra ngoài. Hiểu được tính chất trên, trong những buổi tuyên truyền, cán bộ tuyên truyền sẽ đưa ra các khuyến cáo đối với trường hợp sự cố cụ thể. Để dập lửa pin xe điện cần dùng bình hoặc vòi áp lực mạnh hoặc loại bình chuyên dụng. Hoặc sử dụng chăn chuyên dụng thấm ướt trùm lên toàn bộ xe điện. Ngoài ra, khi đám cháy chưa phức tạp, cần cố gắng di chuyển, “tách” phương tiện đang cháy ra xa các vật dễ cháy, phương tiện đồ dùng lân cận.

“Điều quan trọng nhất là ý thức, nhận thức phòng ngừa, để sự cố không xảy ra. Như đối với xe điện, cần chấp hành nguyên tắc khu vực để xe điện phải cách xe xăng ít nhất 3m; an toàn hơn nữa là tạo vách ngăn riêng biệt giữa 2 loại xe xăng và xe sạc điện. Cùng với đó là khi sạc phải không được để quá lâu. và phải có người trông coi”, Thiếu tá Nguyễn Danh Luân nêu rõ.

Xe điện hướng tới giao thông xanh. Ảnh Báo ảnh Việt Nam

Xe điện hướng tới giao thông xanh. Ảnh Báo ảnh Việt Nam

Đối với nơi để nhiều đồ đạc, nguyên vật liệu tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao như bãi đỗ phương tiện hầm chung cư, chung cư mini, ngoài việc trang bị đầy đủ thiết bị an toàn PCCC, báo cháy sớm, hệ thống chữa cháy tự động, không thể thiếu được nhân tố con người, đó là đội ngũ bảo vệ được trang bị đầy đủ kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ và tinh thần trách nhiệm cao.

Về phía cá nhân sử dụng phương tiện như xe điện, phải tuân thủ quy định bảo trì, bảo dưỡng, kịp thời phát hiện, thay thế thiết bị kém, hư hỏng, và tuân thủ quy định chung của toà nhà về vị trí để xe, thời gian sạc pin trông coi cẩn thận…

Diễn biến phức tạp cháy, nổ đòi hỏi mỗi gia đình cần trang bị tối thiểu 1 bình cứu hoả. Sẽ cẩn thận và cần thiết hơn, nếu các thành viên trong gia đình được trang bị mặt nạ phòng độc, thang dây thoát nạn và thuần thục cách dùng.

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã tuyên truyền, hướng dẫn nhiều về việc mỗi gia đình cần có phương án thoát nạn và mở lối thoát nạn thứ 2, cắt mở “chuồng cọp” trong ngôi nhà của mình.

Bình tĩnh là yếu tố sống còn

Người dân cần biết, trong trường hợp nếu xảy cháy ở tầng hầm chung cư, thì sẽ gặp phải hiểm họa nếu chạy ngay ra ngoài hành lang, bởi lập tức sẽ bị khói xâm lấn, có thể ngất tại chỗ. Trong tình huống này, người dân ở các căn hộ tầng trên cao sẽ tạm thời an toàn, nếu như thực hiện các biện pháp chặn khói xâm nhập vào trong căn hộ, như dùng băng dính, dùng chăn, màn, quần áo ẩm ướt chặn các khe cửa, và thông báo cho lực lượng cứu hoả về vị trí của mình.

Thực tế, lửa cháy dưới hầm và ở đâu cũng vậy, mối nguy lớn nhất là khói xâm lấn. Tránh và chặn được khói, cơ hội sinh tồn sẽ cao...

(Thiếu tá Nguyễn Danh Luân – cán bộ Cục CS PCCC&CNCH)

Cần tránh những suy nghĩ chịu tác động bởi “số đông”

Có một dạo, xảy ra khá nhiều những vụ cháy ô tô, mô tô, xe khách. Nguyên nhân cháy, cơ quan chức năng làm rõ ngoài sự xuống cấp của thiết bị, vật liệu của phương tiện, còn do yếu tố xăng, dầu kém chất lượng.

Một số vụ cháy liên quan đến xe điện thời gian gần đây, đang có những ý kiến cho rằng phải "kỳ thị" xe điện. Tôi cho rằng suy nghĩ này là không nên, và chưa hiểu hết bản chất của vấn đề. Trước hết, sản xuất xe điện đã và đang là xu hướng mà nhiều nước phát triển trên thế giới hướng đến. Thứ hai, nếu thiết bị, nguyên liệu của xe điện, như pin, được sản xuất đúng theo tiêu chuẩn; được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, đánh giá trước khi xuất xưởng; và được người sử dụng tuân thủ hướng dẫn sử dụng; thì nguy cơ cháy, nổ sẽ khó xảy ra.

Bất kỳ thiết bị điện, hóa chất nào cũng vậy, khi đã suy giảm chất lượng theo thời gian; khi không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng như công bố của nhà sản xuất; cộng thêm yếu tố bất cẩn trong sử dụng, sinh hoạt; đều có thể gây cháy, chứ không riêng xe điện.

(Thượng tá Đỗ Anh Quyến – Phó Trưởng CAQ Bắc Từ Liêm)