Hiện đại hại tiền

(ANTĐ) - Một đô thị văn minh và hiện đại, đương nhiên không thể có “bộ mặt” nhếch nhác, nhem nhuốc. Chợ tạm, chợ cóc ở Hà Nội chính là nơi “bôi bẩn” nhất, nhưng dù cố xóa đi, dẹp bỏ thì như đám bèo trôi dạt, dẹp mãi không xong. Gần 2 năm nay, Hà Nội đã giải tỏa 25 chợ cóc, chợ tạm nhưng đẩy từ chỗ này chợ lại dạt sang chỗ khác. Quận nào, huyện nào cũng chềnh ềnh dăm ba chợ “tạm”... Hễ thấy Quản lý thị trường, Công an thì chợ tan, vắng bóng, chợ lại tụ họp.

Hiện đại hại tiền

(ANTĐ) - Một đô thị văn minh và hiện đại, đương nhiên không thể có “bộ mặt” nhếch nhác, nhem nhuốc. Chợ tạm, chợ cóc ở Hà Nội chính là nơi “bôi bẩn” nhất, nhưng dù cố xóa đi, dẹp bỏ thì như đám bèo trôi dạt, dẹp mãi không xong. Gần 2 năm nay, Hà Nội đã giải tỏa 25 chợ cóc, chợ tạm nhưng đẩy từ chỗ này chợ lại dạt sang chỗ khác. Quận nào, huyện nào cũng chềnh ềnh dăm ba chợ “tạm”... Hễ thấy Quản lý thị trường, Công an thì chợ tan, vắng bóng, chợ lại tụ họp.

Xóa sạch chợ cóc, chợ tạm, gom các hộ buôn bán nhỏ lẻ về các khu chợ mới cải tạo, nâng cấp và nâng cao hiệu quả các chợ mới xây, các trung tâm thương mại... dường như là con đường vòng thúng. Bởi vì không ít ngôi chợ mới xây, trung tâm thương mại hiện đại mọc lên trên nền chợ cũ như chợ đầu mối Hải Bối, Đền Lừ, Bắc Thăng Long hoặc Trung tâm thương mại Ô Chợ Dừa thì vắng vẻ như chùa Bà Đanh.

Vì sao chợ hiện đại, trung tâm thương mại đồ sộ mà không thu hút được người bán, người mua? Tại vì địa điểm không “đắc địa” hay vì quy hoạch và thiết kế bất hợp lý? Theo Sở Thương mại Hà Nội, đến đầu năm 2008, thành phố sẽ có 126 chợ được đầu tư nâng cấp thành các trung tâm thương mại.

Riêng năm 2007 Hà Nội đã triển khai 27 dự án đầu tư xây dựng, cải tạo chợ với tổng diện tích gần 2.000 tỷ đồng. Liệu chủ trương hiện đại chợ có hại tiền? Hiện đại hóa, xã hội hóa là cần thiết. Bản thân các hộ kinh doanh tại các chợ và đa số tiểu thương đều đồng tình việc cải tạo và xây mới chợ. T

uy vậy, việc xây chợ thành các trung tâm thương mại hoặc siêu thị hiện đại cần cân nhắc kỹ lưỡng. Thực tế nhãn tiền là, khá nhiều chợ khang trang và bề thế vẫn “đắp chiếu” vì không thuận tiện cho việc buôn bán, kinh doanh. Không nên quên rằng, trung tâm thương mại hay siêu thị phải tương xứng với mức sống và thu nhập của đại bộ phận dân cư.

Đành rằng, một số siêu thị lớn ở Hà Nội và TP.HCM đã thu hút và đáp ứng nhu cầu một bộ phận dân cư, song số đông người lao động có thu nhập trung bình và thấp vẫn quen đi chợ theo túi tiền của họ. Mua mớ rau, con cá, miếng thịt hay một vài vật dụng hàng ngày không lẽ lúc nào cũng bước vào siêu thị, trung tâm thương mại?

Chừng nào thu nhập bình quân của người dân chưa vươn tới 500-600 USD/tháng, chừng nào những người buôn thúng, bán mẹt vẫn chiếm số đông trong các chợ thì chưa thể đạt tham vọng “biến” các chợ thành trung tâm thương mại như ở các nước khu vực.

Vả lại, ngay ở họ vẫn tồn tại các loại chợ đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp dân cư, tất nhiên chợ ra chợ, ngăn nắp, sạch sẽ. Cái khó và lúng túng của Hà Nội còn ở chỗ, các chủ đầu tư không mấy “mặn mà” bỏ tiền xây chợ, bởi vì các hộ kinh doanh “hổ lốn”, ngoài quần áo hoặc một số mặt hàng có thể đặt gần văn phòng cho thuê, còn lại đều là các quầy đầy mùi tôm cá, thịt thà, rau dưa, mắm muối. “Mùi” chợ không thể hợp với mùi văn phòng cho thuê phục vụ nhu cầu thương mại. Cho nên chẳng ai dại gì bỏ vốn ra “hiện đại”... hại tiền cả.

Đan Thanh