Hiểm họa Trans fat đối với bệnh tim mạch

(ANTĐ) - Mới đây, tại Khách sạn Bảo Sơn, Hà Nội, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Hiểm họa Trans fat - người tiêu dùng Việt Nam cần được bảo vệ” với sự tham gia của các phóng viên, các chuyên gia và người tiêu dùng.

Hội thảo được tổ chức nhằm thông tin về chất béo Trans (Trans fat), và những ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe tim mạch thông qua phần báo cáo của các chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng, sức khỏe. Đồng thời, tại hội thảo này, Hội mong muốn các cơ quan nhà nước như Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm - Bộ Y rế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Cục Quản lý chất lượng hàng hóa… sớm đưa ra các biện pháp quản lý chất béo độc hại Trans fat và yêu cầu các doanh nghiệp không sử dụng các loại nguyên liệu sản sinh ra chất béo độc hại này trong quá trình sản xuất thực phẩm và thông tin minh bạch về hàm lượng chất béo  trên nhãn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Thị trường phong phú các thực phẩm hiện nay đã phần nào mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất một thực phẩm như các loại bánh, mì ăn liền, khoai tây chiên, các nhà sản xuất đã sử dụng loại dầu chiên bị Hydro hóa ở nhiệt độ cao làm sản sinh ra loại chất béo Trans fat. Mục đích nhằm giúp thực phẩm bảo quản được lâu hơn, hấp dẫn hơn với người tiêu dùng.

Theo nghiên cứu của bang British Columbia - Canada, Trans fat là loại chất béo nguy hiểm nhất trong nhóm các chất béo gây hại. Nhiều tổ chức y tế trên thế giới công nhận, Trans fat gây tăng mức cholesterol xấu (LDL-C), và giảm mức cholesterol tốt (HDL-C) trong máu dẫn đến tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch. Các nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng trans fat còn là tác nhân gây cản trở lưu thông máu, gây ra các bệnh tim mạch nghiêm trọng như bệnh vữa xơ động mạch.

Theo nghiên cứu của Ngành Y tế Công cộng trường Đại học Harvard, ước tính ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng dầu chứa Trans fat đã gây ra từ 72.000 đến 228.000 ca bệnh nhồi máu cơ tim và khoảng từ 30.000 đến 100.000 người chết vì nhồi máu cơ tim mỗi năm.

Tại Việt Nam, vấn đề Trans fat trong thực phẩm vẫn còn là điều khá mới mẻ đối với rất nhiều người. Đã có một vài hội thảo và một số báo đài đưa tin về chất béo độc hại này. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có bất kỳ quy định nào liên quan đến việc quản lý Trans fat và cũng mới chỉ có một số ít doanh nghiệp sản xuất thực phẩm ghi rõ thông tin Trans fat trên bao bì.

Do đó, với chức năng là một đơn vị bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam và sự đe dọa của Trans fat, hội thảo “Hiểm họa Trans fat - người tiêu dùng Việt Nam cần được bảo vệ” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam  tổ chức đã tập trung phân tích sâu tình hình các bệnh tim mạch, cơ chế sự hình thành Trans fat và những tác động của chất béo độc hại này đến sức khỏe tim mạch.

Hội thảo nhằm thông tin về chất béo độc hại Trans fat và những hiểm họa của nó đến sức khỏe tim mạch đến mọi người tiêu dùng Việt Nam. Ngoài ra, tại hội thảo này, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cũng đã kêu gọi cơ quan Nhà nước sớm đưa ra các quy chuẩn, quy định bắt buộc, các biện pháp quản lý chất béo độc hại Trans fat và yêu cầu các doanh nghiệp không sử dụng các loại nguyên liệu sản sinh ra chất béo độc hại này để bảo vệ người tiêu dùng

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Gia Phan - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: “Với những tác hại do Trans fat gây ra hiện nay, từ hội thảo này, chúng tôi kêu gọi các cơ quan Nhà nước cần sớm có các biện pháp quản lý Trans fat để bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, chúng tôi yêu cầu phải ghi rõ thông tin về hàm lượng Trans fat trên bao bì sản phẩm. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng tự bảo vệ mình bằng cách đọc kỹ thông tin trên bao bì khi lựa chọn thực phẩm. Tốt nhất chỉ nên chọn những sản phẩm ghi rõ thông tin “Không có Trans fat” để đảm bảo sức khỏe tim mạch cho cả gia đình.”