Hết thời lao động giản đơn

ANTD.VN - Tại Hội thảo đối thoại chính sách việc làm do Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 13-12, các chuyên gia lao động cho biết, trong khoảng 20 năm nữa, hơn một nửa số lao động của các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam có nguy cơ mất việc làm vì sự phát triển của công nghệ tự động hóa. 

Lao động ngành dệt may sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc cao vì sự phát triển của công nghệ tự động hóa.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cũng như các kỹ thuật tiên tiến, việc các nhà máy quyết định dịch chuyển từ tận dụng lao động giá rẻ sang tận dụng máy móc là điều dễ hiểu. Các thiết bị tự động hóa xuất hiện ngày càng nhiều tại các nhà máy cũng đồng nghĩa với chỗ làm của công nhân sẽ ít dần.

Thừa nhận nguy cơ này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lam khẳng định, toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ đang đặt ra nhiều thách thức với nền kinh tế Việt Nam. Dự báo, giai đoạn 2017-2025, mỗi năm, lực lượng lao động tăng bình quân khoảng 723.000 người.

Quy mô lực lượng lao động tăng từ 55,54 triệu người năm 2016 lên 62 triệu người năm 2025. Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động, hàng năm nền kinh tế cần tạo thêm khoảng 650.000 chỗ làm và chuyển dịch cơ cấu lao động vẫn là một hướng để tăng năng suất lao động.

Theo một nghiên cứu của ILO, ASEAN đang trong giai đoạn chuyển đổi; công nghệ dần dần thay thế sức người. Hai ngành sẽ chịu tác động nhiều nhất trước xu hướng tự động hóa là dệt may và điện tử. Khoảng 86% người lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc cao.

Trong khi đó, 3/4 lao động làm công ăn lương trong ngành sản phẩm điện - điện tử có thể sẽ bị thay thế bởi robot. Dệt may và điện tử hiện là 2 ngành xuất khẩu chính của Việt Nam, chiếm gần 40% tổng số việc làm trong lĩnh vực sản xuất nhưng ngành dệt may, da giày có đặc điểm chủ yếu là sử dụng đông lao động và kỹ năng tay nghề thấp.

Năng suất lao động trong ngành này thấp một cách đáng báo động, chỉ ở mức 20% so với Thái Lan và gần tương đương với Campuchia. Trong khi đó, không như tên gọi, ngành sản phẩm điện - điện tử cũng hướng tới sản xuất có giá trị thấp và các công việc lắp ráp kỹ năng thấp.

Theo TS. Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, kết quả ban đầu của khảo sát “Nhu cầu về kỹ năng trong kỷ nguyên công nghệ mới” cho thấy, nhu cầu về kỹ năng mà doanh nghiệp cần bao gồm cả kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng cốt lõi như khả năng tư duy sáng tạo, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề.

Nhưng, đối với các doanh nghiệp, việc thiếu các kỹ năng cốt lõi ở mức nghiêm trọng hơn, bởi các kỹ năng kỹ thuật có thể được đào tạo tại doanh nghiệp nhưng các kỹ năng cốt lõi cần cả một quá trình mới đạt được. Gần một nửa số doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam không có dự báo về nhu cầu kỹ năng trong tương lai.

Trong khi đó, sự kết nối giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo hầu như chỉ dừng lại ở hình thức doanh nghiệp nhận sinh viên đến thực tập và sự hợp tác trong quá trình phát triển giáo trình, học liệu, xây dựng kế hoạch đào tạo lao động có kỹ năng còn tương đối yếu. 38% số các doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ chưa bao giờ tham gia các hoạt động này.

Các chuyên gia lao động cho rằng, Việt Nam vẫn chưa chứng kiến tác động của công nghệ tại nơi làm việc ở mức độ giống như ở một số nước phát triển hơn trong khu vực ASEAN, bởi giá lao động vẫn còn cạnh tranh và chi phí đầu tư công nghệ tương đối đắt đỏ.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra không phải là “liệu có hay không” mà vấn đề chỉ là “khi nào”. Vì vậy, Việt Nam phải cải thiện các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động gắn với chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh các sản phẩm có hàm lượng tri thức và giá trị gia tăng cao thay vì chỉ gia công với số đông lao động.