Hệ thống quản lý giao thông thông minh ở bang Goa, Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hệ thống quản lý giao thông dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) đã được ra mắt ở bang Goa, miền Tây Ấn Độ vào trung tuần tháng 3-2023. Hệ thống sẽ hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, quản lý tín hiệu đèn giao thông, phát hành phiếu phạt… tối ưu hóa các hoạt động giao thông.
Chính quyền bang Goa, Ấn Độ muốn nhân rộng hệ thống quản lý giao thông dựa trên trí tuệ nhân tạo bằng hình thức đầu tư công-tư

Chính quyền bang Goa, Ấn Độ muốn nhân rộng hệ thống quản lý giao thông dựa trên trí tuệ nhân tạo bằng hình thức đầu tư công-tư

Lợi ích vượt trội

Theo Thủ hiến bang Pramod Sawant, đây là hệ thống giao thông đầu tiên ở Goa sử dụng công nghệ AI. Hệ thống này sẽ hỗ trợ đắc lực cho cảnh sát giao thông trong việc giám sát giao thông và tăng cường an ninh hiệu quả hơn. Công nghệ này tự động phát hiện các vi phạm, với bằng chứng là hình ảnh ghi lại vi phạm, đồng thời gửi một giấy phạt điện tử đến địa chỉ của người vi phạm trong vòng khoảng 1 giờ. Tất cả dữ liệu từ các tín hiệu đều có sẵn trong thời gian thực tại Trung tâm chỉ huy và kiểm soát trung tâm của chính quyền. Dữ liệu này có thể được sử dụng vì an toàn công cộng. Tín hiệu cũng có thể được điều khiển từ xa. Ngoài mục đích giảm thiểu các vụ tai nạn lớn trong thành phố, giảm thiểu sai sót và tham nhũng của con người, đèn tín hiệu giao thông dựa trên công nghệ AI cũng có thể được sử dụng để thực hiện bất kỳ vụ bắt giữ tội phạm nào trong tương lai.

Bang Goa đang tìm kiếm một công nghệ để giải quyết các vấn đề về giao thông và an ninh do đây là một điểm đến du lịch toàn cầu. “Chính quyền bang không muốn gì ngoài công nghệ tốt nhất. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cẩn trọng với các chi phí không chỉ liên quan đến cơ sở hạ tầng mà còn cả việc vận hành và bảo trì công nghệ tiên tiến đó”, ông Pramod Sawant nhấn mạnh.

Ông Mauvin Godingo - Giám đốc Sở Giao thông vận tải bang Goa lưu ý rằng, mặc dù việc triển khai hệ thống đã bắt đầu, nhưng quá trình đi vào thực hiện hoàn chỉnh là trước ngày 15-4. Trong giai đoạn thử nghiệm kéo dài 3 tuần tại giao lộ Merces gần Panaji, cảnh sát cho biết, thời gian chờ trong giờ cao điểm trước đây là 12-15 phút giờ đã giảm xuống còn 4-6 phút. “Trước đây, ở ngã ba thường có 4 cảnh sát quản lý giao thông, nhưng giờ chỉ còn 1 và đó cũng chỉ là đề phòng. AI có thể phát hiện các phương tiện khẩn cấp như xe cứu thương và xe cứu hỏa và tự động dẹp đường. Công nghệ này cũng sẽ giảm lượng khí thải độc hại trong tiểu bang, vì thời gian xe chạy không tải sẽ giảm”, tuyên bố của chính quyền bang cho biết.

Ông Godinho cho biết, phần mềm tín hiệu giao thông của Goa đã lỗi thời và hoạt động không bình thường. “Hệ thống quản lý giao thông dựa trên trí tuệ nhân tạo công nghệ mới sẽ mang lại nhiều lợi ích, bao gồm cung cấp dữ liệu thời gian thực để lập kế hoạch quản lý giao thông trên đường trong tương lai”, ông Godinho nhấn mạnh. Nếu được triển khai ở quy mô đầy đủ, hệ thống được thiết kế sao cho tất cả các tín hiệu giao thông trong thành phố/tiểu bang sẽ có thể liên lạc liên tục với nhau, do đó tối ưu hóa giao thông không chỉ ở cấp độ đường giao nhau mà còn ở cấp thành phố hoặc tiểu bang.

Theo kế hoạch, dự án sẽ nhân rộng thành 16 nút giao thông thông minh ở Goa theo hình thức hợp tác đầu tư công - tư. Được biết, hệ thống giao thông thông minh này do Công ty Beltech AI phát triển. Họ đã đầu tư 50.000 USD vào dự án. Việc chia sẻ doanh thu từ vé phạt sẽ là 70% cho công ty và 30% cho chính quyền tiểu bang.

Cải tiến công nghệ giao thông ở Ấn Độ

Vào năm 2021, Tổng công ty Vận tải Đường bộ bang Karnataka đã triển khai các công nghệ dựa trên AI để hạn chế tai nạn đường bộ và cải thiện sự an toàn của hành khách trên xe buýt. Tập đoàn đã đấu thầu triển khai Hệ thống cảnh báo va chạm (CWS) và Hệ thống chống buồn ngủ cho lái xe (DDS) do AI cung cấp cho 1.044 xe buýt.

Vào tháng 4-2022, trong giai đoạn thứ hai của Sáng kiến xây dựng hệ thống giao thông thông minh cho các thành phố Ấn Độ do Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin (MeitY) chủ trì, một hệ thống cảnh báo và hỗ trợ lái xe trên xe bản địa, hệ thống ưu tiên tín hiệu xe buýt và phần mềm Common Smart IoT Connectiv (CoSMiC) đã được ra mắt.

Vài tháng sau, Cảnh sát giao thông Bengaluru triển khai Hệ thống quản lý giao thông thông minh (ITMS). Tương tự như hệ thống mới ra mắt gần đây ở Goa, hệ thống này có giải pháp dựa trên công nghệ AI với 250 camera nhận dạng biển số tự động và 80 camera phát hiện vi phạm vượt đèn đỏ được lắp đặt tại 50 nút giao thông. Các camera có thể phát hiện vi phạm giới hạn tốc độ, vượt đèn đỏ và dừng giữa đường cũng như các vi phạm như đi lại không đội mũ bảo hiểm, lái xe không thắt dây an toàn và sử dụng điện thoại di động khi lái xe. Dữ liệu thu thập được lưu trữ trên một máy chủ thuộc sở hữu của cảnh sát giao thông. ITMS xử phạt thông qua tin nhắn văn bản trên điện thoại của người vi phạm.

Những camera này hoạt động suốt ngày đêm đã tiết kiệm được rất nhiều nhân lực vốn được bố trí để quản lý và điều tiết giao thông. Nền tảng quản lý giao thông đã chứng tỏ được thành công trong việc giảm hơn 42% tắc nghẽn giao thông ở Bengaluru.