Hành trình làm mới của gameshow truyền hình

(ANTĐ) - Trái với dự đoán của nhiều người, gameshow truyền hình không những hạ nhiệt mà còn liên tục tạo nên những nấc thang mới. Dù vậy, trong bối cảnh gameshow đang dần bão hòa và khiến người xem bội thực, gameshow truyền hình đã có những tín hiệu đáng mừng trong hành trình làm mới chính mình.

Hành trình làm mới của gameshow truyền hình

(ANTĐ) - Trái với dự đoán của nhiều người, gameshow truyền hình không những hạ nhiệt mà còn liên tục tạo nên những nấc thang mới. Dù vậy, trong bối cảnh gameshow đang dần bão hòa và khiến người xem bội thực, gameshow truyền hình đã có những tín hiệu đáng mừng trong hành trình làm mới chính mình.

Bội thực gameshow

Dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện ồ ạt của thể loại gameshow trên các kênh sóng truyền hình hiện nay. Cứ hễ bật tivi dù kênh sóng nào khán giả cũng có thể bắt gặp sự xuất hiện của các gameshow truyền hình. Đặc biệt, vào khoảng thời gian từ 20h đến 22h hàng ngày - vẫn thường được xem là “khung giờ vàng” của truyền hình, thể loại gameshow tỏ ra lấn lướt hơn bất cứ thể loại truyền hình nào khác. Thật không phải ngẫu nhiên khi không ít khán giả nhận xét: Giờ vàng truyền hình đang dành cho gameshow.

Chỉ tính riêng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV), hiện nay có khoảng 40 gameshow truyền hình các loại phát sóng mỗi tuần. Chưa kể, Đài Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, Đài Truyền hình Cáp Việt Nam (VCTV) và cả nhiều Đài PT-TH địa phương đều có trình chiếu gameshow mua bản quyền phát sóng và gameshow tự sản xuất. Quả thực, sự xuất hiện quá nhiều gameshow trên các kênh sóng truyền hình hiện nay đã khiến cho khán giả màn ảnh nhỏ cảm thấy bội thực với món ăn tinh thần này của các nhà đài.

Đấy là chưa nói, không ít gameshow hiện nay có format chương trình gần như giống nhau như gameshow Ai là triệu phú - VTV3 và Rồng vàng -HTV… hoặc làm về chủ đề nội dung tương tự nhau như “Chúng tôi là chiến sỹ” - HTV9 và “Tập làm chiến sỹ” - HTV… Đã vậy, phương thức sản xuất của nhiều gameshow truyền hình cũng na ná nhau. Vẫn là những bục, những người chơi trong trường quay với những cảnh quay được ghi hình từ trước và ít nhiều đều vương dấu dàn dựng. Mỗi gameshow lại có đôi ba người chơi đối chọi với nhau mang tính giải trí hoặc vui vẻ… kéo dài chừng 45-60 phút/gameshow. Chính những điều đó đã khiến cho thể loại gameshow dần mất đi tính hấp dẫn như lúc mới xuất hiện và đang đứng trước tình trạng bão hòa trong làng truyền hình Việt Nam.

Hành trình làm mới

Hơn bao giờ hết, thể loại gameshow truyền hình cần có những cú hích nhất định để tìm lại sự hấp dẫn với khán giả màn ảnh nhỏ. Đứng trước những thách thức không nhỏ ấy, hành trình làm mới của gameshow như một “bản năng” sinh tồn nhưng mang nhiều màu sắc khác nhau.

Để tránh sự nhàm chán và thu hút thêm sự quan tâm của khán giả màn ảnh nhỏ, một trong những phương thức làm mới quen thuộc của thể loại gameshow truyền hình là thay đổi thiết kế trường quay. Chỉ mới 4 năm phát sóng nhưng gameshow “Trò chơi âm nhạc” - VTV3 đã 4 lần thay đổi thiết kế trường quay và 5 lần đổi nhà tài trợ. Gameshow “Đường lên đỉnh Olympia” suốt chặng đường 10 năm lên sóng VTV3 cũng luôn phải thêm bớt những tiểu tiết trong kết cấu gameshow…

Phổ biến hơn cả vẫn là “chiêu thức” tăng giá trị giải thưởng để làm mới chính mình của các gameshow. “Ai là triệu phú” - VTV3 tăng giá trị giải thưởng cao nhất cho người chơi lên tới 120 triệu đồng, trở thành trò chơi trên truyền hình có giải thưởng cao nhất hiện nay. “Vượt lên chính mình” - HTV sau những chương trình thành công được dư luận hoan nghênh liên tục nâng giá trị giải thưởng dành cho người nghèo tham gia chương trình…

Những tín hiệu đáng mừng

Sự xuất hiện ngày càng nhiều gameshow trên các kênh sóng truyền hình đương nhiên sẽ dẫn tới tình trạng bão hòa gameshow. Đã qua thời kỳ gameshow xuất hiện như một món ăn mới lạ làm bỡ ngỡ ngay cả những người làm chương trình truyền hình cũng như với khán giả màn ảnh nhỏ nên sự đòi hỏi chất lượng gameshow ngày một cao với nhiều sáng tạo, mới lạ… thực sự đặt ra cho thể loại gameshow truyền hình những thử thách mới. Đáng mừng là trong thời gian gần đây thể loại gameshow truyền hình ít nhiều đã lóe lên những tia sáng.

Có thể kể đến gameshow “Hà Nội 36 phố phường” của VTV như một điển hình. Từ ý tưởng, kịch bản, format chương trình… “Hà Nội 36 phố phường” đều do người Việt làm. Hơn thế, không chỉ là một gameshow hiếm hoi “made in Vietnam” được làm theo phong cách truyền hình thực tế, với sự tham gia dàn dựng, đạo diễn… của các nghệ sỹ điện ảnh, “Hà Nội 36 phố phường” đem đến cho địa hạt gameshow truyền hình Việt Nam một màu sắc gameshow đậm chất xi-nê đầy bản sắc. Dù chỉ mới bước qua giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan” nhưng gameshow “Hà Nội 36 phố phường” có thể ví von như một lẵng hoa đẹp của thể loại gameshow truyền hình hướng tới dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Bắt đầu từ ngày 12-11-2009 vừa qua, Đài Truyền hình Hà Nội đã chính thức trình làng gameshow mới “Chơi chữ”. Dù vẫn là một gameshow được mua bản quyền    format kịch bản của nước ngoài nhưng điều đáng chú ý là “Chơi chữ” hiện là gameshow đầu tiên được truyền hình trực tiếp, có sự tương tác giữa khán giả truyền hình. Năm 2009 cũng là năm thứ 10 liên tiếp gameshow “Đường lên đỉnh Olympia” lên sóng VTV3. Nếu trước đây, tuổi thọ lớn nhất của một gameshow thuần Việt - gameshow có ý tưởng kịch bản, format chương trình, bản quyền… thuộc về người Việt, thuộc về gameshow “ở nhà chủ nhật” - 9 năm phát sóng liên tiếp trên VTV3, thì với năm thứ 10 lên sóng VTV3 “Đường lên đỉnh Olympia” đã xác lập một kỷ lục mới về tuổi thọ của một gameshow thuần Việt trong làng truyền hình Việt Nam…

P.N