Hành trình đi tìm công lý

ANTĐ - Ngày 4-11, ông Nguyễn Thanh Chấn về nhà trong nước mắt nghẹn ngào của người vợ kiên tâm và con cái, họ hàng làng xóm. Ông run run thắp hương lên bàn thờ tiên tổ. Hơn 10 năm trước, tai họa bỗng dưng ập xuống chỉ vì những việc làm đầy tình người của ông.  

Nhiều người dân đến thăm hỏi, chia vui với gia đình ông Chiến

Làm ơn mắc oán

Nằm sâu trong con ngõ của thôn Me (xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), ngôi nhà cấp 4 lụp xụp của gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn chật kín người. Vài ngày nay, nghe tin ông Chấn được trả tự do, hàng xóm và nhiều người thân xa gần đều kéo về chúc cho ông tai qua nạn khỏi.

Trong căn buồng nhỏ được che bởi tấm rèm vải cũ kỹ, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) không còn đủ sức để tiếp khách mà nằm bẹp trên chiếc giường ọp ẹp. Hành trình đi tìm công lý cho chồng kéo dài suốt 10 năm đã rút hết sức lực của bà. Để có ngày gia đình đoàn tụ, không ai hình dung được người đàn bà ấy đã phải trải qua những đau khổ thế nào. 

Bà Chiến kể, lúc đầu bà cũng chẳng hiểu gì khi thấy chồng bị bắt. Những lúc bình tĩnh, ngồi xâu chuỗi lại tất cả các sự kiện với nhau, bà Chiến tin rằng chồng bà hoàn toàn bị oan. Bởi vậy, hành trình kêu oan cho chồng đã được bà từng bước lên kế hoạch cùng người anh rể là ông Thân Ngọc Hoạt (SN 1958, người cùng xã). “Ngay sau khi phát hiện chị Nguyễn Thị Hoan bị kẻ gian hãm hại, chính chồng tôi là người gọi điện báo cho Công an huyện Việt Yên đồng thời báo cho chồng chị Hoan. Khi cơ quan điều tra đến phong tỏa hiện trường, ông Chấn đã lấy dây điện thắp sáng giữ hiện trường không bị xáo trộn. Ông Chấn cũng trực tiếp đi mua đồ lễ, quan tài giúp gia đình nạn nhân lo chôn cất cho chị Hoan... Thế nhưng chỉ ít ngày sau đó, ông Chấn bị cơ quan điều tra triệu tập lên vì cho rằng là người liên quan đến vụ án, sau đó được thả về. Đến lần thứ hai, khi cơ quan điều tra gọi lên thì giữ lại luôn.”, bà Chiến nhớ lại.

10 năm kêu oan cho chồng

Bằng niềm tin, bà Chiến nghĩ rằng không thể có chuyện đó xảy ra. “Trong lần gặp tại trại tạm giam Kế, ông Chấn chỉ nhìn tôi rồi khóc. Khi tôi có hỏi sao anh lại làm chuyện tày trời như thế thì chồng tôi khẳng định mình không  làm. Vài tháng sau khi bị bắt giữ, chồng tôi bị TAND tỉnh Bắc Giang đưa ra xét xử. Lúc này, tôi vẫn động viên hỏi chồng để tìm sự thật, nhưng ông Chấn luôn khẳng định bị oan. Ngay sau khi chồng tôi bị kết án chung thân về tội “Giết người”, tôi đi khắp nơi “đánh trống công đường”, kêu oan. Lần tìm tất cả các manh mối trong vụ án, tôi đã thu thập được nhiều bằng chứng khẳng định chồng tôi bị oan. Những chứng cứ đó tôi đã gửi đến cơ quan chức năng”, bà kể lại.

Những tưởng chồng sẽ được giải oan trong phiên tòa phúc thẩm, thế nhưng lại một lần nữa gia đình bà Chiến thất vọng. Luật sư cũng không thể bào chữa nổi. HĐXX phúc thẩm TAND tối cao tuyên y án sơ thẩm. Vụ án khép lại, 10 năm trời, ông Chấn phải đi thụ án tại trại giam Vĩnh Quang, 4 đứa con của ông bà phải bỏ dở học hành vì hàng ngày đến lớp bị đám bạn khinh rẻ. Bà Chiến bị đột quỵ trong một lần tai biến. Mọi chuyện tưởng chừng rơi vào ngõ cụt, nhưng khi một số bài báo đăng tải về những ẩn khuất trong vụ án của ông Chấn, bà Chiến có thêm nghị lực tiếp tục đi kêu oan cho chồng.

Đầu năm 2012, một người họ hàng của bà Nguyễn Thị Lành (mẹ kế của hung thủ giết người Lý Nguyễn Chung, đột nhiên nói với bà Chiến: “Chị Chiến ạ, oan cho anh Chấn quá! Chỗ điều tra lại chẳng điều tra, để người ta oan sai khổ quá”. Nghe chuyện bà Chiến sinh nghi rồi lần theo nhiều mối thông tin trong làng, trong xã để tìm hiểu sự thật. Điều nghi ngờ và hối thúc bà tìm bằng được hung thủ theo cách của mình và càng hướng nghi vấn về phía Lý Nguyễn Chung bởi sau khi xảy ra vụ án mạng vào năm 2003, không thấy Chung ở nhà nữa. Trên cơ sở đó, bà Chiến đã làm đơn tố giác… Ngày 25-10, Chung đang sống ở Đắk Lắk thì ra cơ quan điều tra đầu thú và bước đầu khai nhận hành vi giết chị Hoan để cướp tài sản.