Hàng trăm người dân sống trong cảnh nguy hiểm

(ANTĐ) - Gần 80 hộ dân thuộc xóm Hủng Sò, thôn Nam Sơn, xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Tây đang ngày ngày phải sống trong nỗi hoảng sợ của mìn, đá rơi và núi lở. Tính mạng người dân bị treo lơ lửng nhưng chính quyền dường như lại thờ ơ.

Hàng trăm người dân sống trong cảnh nguy hiểm

(ANTĐ) - Gần 80 hộ dân thuộc xóm Hủng Sò, thôn Nam Sơn, xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Tây đang ngày ngày phải sống trong nỗi hoảng sợ của mìn, đá rơi và núi lở. Tính mạng người dân bị treo lơ lửng nhưng chính quyền dường như lại thờ ơ.

Mỗi ngày hai lần sơ tán

Dãy núi Thoong thuộc xóm Hủng Sò, Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Tây có khoảng 80 hộ gia đình đang sinh sống ngay sát chân núi. Từ Quốc lộ 21 nhìn vào, dãy núi Thoong nham nhở, nứt toác có thể đổ ụp xuống bất kể khi nào. Hàng trăm người dân nơi đây còn phải sống trong sự hoảng sợ bởi hoạt động khai thác đá của Công ty CP Khai thác xây dựng Nam Sơn (Công ty Nam Sơn) đóng trên địa bàn. Hàng ngày, tiếng mìn nổ ầm ầm, tiếng đất đá rơi rung chuyển cả một vùng dân cư. Những tảng đá nặng hàng tấn đổ xuống, bụi mù mịt. Trái khoáy, giờ nổ mìn lại nhằm vào lúc nhà nhà quây quần đông đủ, trưa từ 11-12h,  tối từ 17-19h.

Dãy núi Thoong có thể đổ ụp xuống bất kỳ khi nào
Dãy núi Thoong có thể đổ ụp xuống bất kỳ khi nào

Chưa dừng lại ở đó, mỗi lần nổ mìn, do núi đá quá gần nhà nên không ít hộ còn phải chứng kiến cảnh đá bắn văng khắp vườn, nóc nhà, bếp... Chị Nguyễn Thị Thoan, xóm Hủng Sò kể: “Nhà tôi thi thoảng lại bị đá rơi vào mái ngói. Đang làm mà thấy tiếng u u như máy bay réo ngay trên đầu là biết nổ mìn, vợ chồng, con cái đều chạy nép vào tường, nếu có sập nhà hay đổ thì cũng đỡ. Có hôm tôi đang nấu cơm thì cục đá rất to bắn qua nóc nhà rơi xuống bếp gas, may mà né kịp chứ không thì chết rồi”. Cùng chung nỗi bức xúc trên, anh Trọng lắc đầu bảo: “Nhà tôi cách điểm khai thác đá có 15m, cứ cách một ngày “ăn” đá vào nhà một lần. Mới hôm vừa rồi, cả nhà đang ăn cơm trưa, hòn đá rơi giữa mâm”.

Cự ly cho phép nổ mìn khai thác đá tối thiểu phải cách dân cư 300-500m, nhưng tại núi Thoong chẳng ai để ý quy định này. Bãi khai thác đá chỉ cách khu dân cư 1 con đường đất chưa đến 10m. Lo sợ cho tính mạng, cho cuộc sống bất an, người dân xóm Hủng Sò cũng đã làm đơn kiến nghị gửi các cấp cho dừng hoạt động khai thác đá tại đây. Nhưng, đơn từ cứ gửi mà bặt vô âm tín.

Lập lờ cách giải quyết

Công ty CP Khai thác xây dựng Nam Sơn đi vào hoạt động từ 1-2007 theo QĐ của UBND tỉnh Hà Tây, quản lý 27 máng khai thác đá, chủ yếu của người dân địa phương mở ra. Hoạt động khai thác đá của công ty không những gây mất an toàn cho người dân mà còn luôn tiềm ẩn nguy cơ cho người lao động.

Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra, nặng thì tử vong, nhẹ thì hỏng mắt, mất tay, mất chân. Mới đây, ngày 18-4, tại máng đá của anh Nguyễn Văn Thông, hàng chục tấn đá đã bất ngờ đổ ụp xuống 2 chiếc ôtô đang chờ bốc hàng. Hậu quả 2 chiếc xe bị bẹp hỏng hoàn toàn. Và ngày 29-6 vừa qua, tai nạn thương tâm đã xảy ra đối với anh Đỗ Bá Hùng, 33 tuổi, ở thôn Đông Tiến, xã Tân Tiến, Chương Mỹ. Anh Hùng là lao động chính trong gia đình, 2 con nhỏ, vợ yếu và một người mẹ già 80 tuổi. Căn nhà tuềnh toàng, lụp xụp, 4 người giờ đây chỉ còn trông vào 1 sào ruộng. Chị Vũ Thị Hiển - vợ anh Hùng nói trong nước mắt: “Chưa biết cuộc sống sắp tới sẽ như thế nào, ruộng thì ít, tôi cũng chỉ biết buôn bán lặt vặt mớ rau ngoài chợ”.

Theo phản ánh của người dân địa phương, năm nào tại đây cũng xảy ra tai nạn chết người, trung bình từ 3-4 người, số người bị thương cũng không ít. Anh Nguyễn Văn Đoạt, bị ngã từ trên núi đá xuống, hiện tại ngớ ngẩn, chị Nguyễn Thị Thiều mất một chân một tay, anh Nguyễn Văn Thành bị chùn cột sống nằm liệt giường... Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến, ông Nguyễn Hồng Kiến, muốn dừng hoạt động khai thác cũng cần phải có lộ trình, vì công ty đã đầu tư không ít vào đó.

Hơn nữa, mỏ đá tạo công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động. Còn việc nguy hiểm tại mỏ đá, ông Nguyễn Hồng Kiến cho biết: “Hoạt động khai thác đá không thể tránh khỏi tai nạn. Tuy nhiên, sau vụ việc xảy ra với anh Hùng, UBND xã cũng đang xem xét có nên dừng hoạt động khai thác đá tại Hủng Sò không?”. Nhưng, quá trình xem xét kéo dài đến bao giờ thì ông Kiến cũng không biết, bởi xã đang cân nhắc phương án cho Công ty Nam Sơn tiếp tục khai thác nốt? Trong khi đó, ông Kiến cũng thừa nhận việc khai thác đá tại đây gần nhà dân, gây nguy hiểm, vì  thế mà quy mô khai thác mấy năm gần đây đã  thu hẹp lại nhiều?

Việc nổ mìn khai thác đá trên địa bàn Hủng Sò rõ ràng không đáp ứng đủ yêu cầu an toàn cho một bãi khai thác đá nhưng không hiểu tại sao UBND tỉnh Hà Tây vẫn có quyết định cho phép Công ty Nam Sơn khai thác? Mặt khác, trải qua một thời gian dài, nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra, người dân bức xúc, kiến nghị nhưng chính quyền địa phương đến giờ vẫn còn trong quá trình xem xét? Để rồi, hàng trăm người dân Hủng Sò hàng ngày, hàng giờ phải sống trong cảnh phấp phỏng lo sợ vì mìn nổ, đá rơi.

Ngân Tuyền - Thanh Hoàn