Hàng Tết khó sốt giá

ANTĐ - Dự báo về tình hình giá cả thị trường dịp Tết Giáp Ngọ, đại diện Bộ Công Thương cam kết, từ nay đến Tết sẽ không lo thiếu hàng và xảy ra tình trạng sốt giá. Giá hàng bình ổn không những không tăng mà còn có chương trình giảm giá sâu cho người nghèo sắm Tết. Còn Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Công Thương) thì khẳng định, nguồn cung hàng hóa dồi dào và phong phú, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường và sẽ đưa ra những giải pháp phù hợp nếu có biến động bất thường. Vậy đợt tăng giá xăng dầu tháng 12 vừa qua sẽ có tác động ra sao đến mặt bằng giá hàng hóa dịp Tết này?

Lường trước tác động của đợt tăng giá xăng dầu, liên Bộ Tài chính-Công Thương đã có chỉ đạo lồng ghép các chương trình bình ổn giá trước, trong và sau Tết để góp phần tăng cường công tác quản lý giá. Đặc biệt, kiểm soát chặt các phương án giá, yêu cầu kê khai giá và đánh giá những tác động đối với đăng ký tăng giá và cương quyết dừng các phương án tăng giá nếu không tương ứng với mức tăng đầu vào. Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cũng dự báo chu kỳ tăng giá vào tháng trước Tết, do vậy đã phối hợp kiểm tra các loại hàng hóa và số lượng hàng hóa chuẩn bị cũng như nhu cầu của người dân. Qua khảo sát cho thấy, việc chuẩn bị hàng hóa cung ứng ra thị trường của các doanh nghiệp khá tốt, hàng hóa dồi dào, phong phú, do vậy tác động tăng giá chưa đến mức lo ngại.

Tuy vậy, theo Cục trưởng Cục Quản lý giá, không thể chủ quan với biến động giá cả thị trường bất thường. Nếu có biến động, Cục sẽ báo cáo cơ quan chức năng thực hiện bình ổn giá. Thông thường trước Tết Nguyên đán, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành chức năng đi kiểm tra việc chuẩn bị hàng hóa và triển khai các chương trình bình ổn giá của các địa phương. Thực tế cho thấy, hoạt động bình ổn giá tương đối khả quan, hầu như các địa phương không cần phải đưa khoản vốn ưu đãi cho doanh nghiệp thực hiện như các năm trước. Thay vào đó khuyến khích họ tự tiếp cận với ngân hàng để tham gia chương trình bình ổn giá.

Tại cuộc hội thảo “Bình ổn thị trường: Tháo gỡ khó khăn cung cầu trong dịp Tết”, đại diện Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá cam kết sẽ bán hàng đến giáp 30 Tết và mở cửa sớm sau Tết. Trước lo ngại của người dân về chất lượng và giá thành một số mặt hàng bình ổn cao hơn ngoài thị trường, Thứ trưởng Bộ này chỉ rõ, để so sánh cao hay thấp, phải dựa trên cơ sở cùng chủng loại và chất lượng sản phẩm. Hàng bình ổn là sản phẩm sạch, đáp ứng tiêu chuẩn quy định nên không thể đem so sánh với các mặt hàng trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc. Hàng bình ổn có giá thấp hơn bên ngoài từ 5-10% và chiếm khoảng 30-40% nhu cầu của người dân. Các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt gia súc, gia cầm, trứng… đáp ứng 60% nhu cầu, trong khi nguồn hàng cung ứng cho Tết tăng 20-30% so với Tết năm ngoái.

Chuyên gia giá cả thị trường dự báo, sức mua trong dịp Tết Giáp Ngọ có thể tăng 15%, nhưng chủ yếu là tăng cơ học, số người mua tăng, song thực chi tiêu không tăng. Nhóm hàng có sức mua mạnh nhất vẫn là thực phẩm, tuy vậy Bộ Công Thương cam kết rằng, người dân có thể yên tâm không lo thiếu hàng, sốt giá. Vấn đề là phải hết sức cảnh giác với thông tin nhiễu loạn gây hoang mang thị trường, giá cả.