Hàng loạt chính sách quan trọng về giáo dục có hiệu lực từ tháng 1/2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Điểm mới về thăng hạng giáo viên các cấp, tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục là những chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 1/2022.

Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 15/1/2022 giảm thời gian xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ để được thăng hạng, đồng thời bổ sung thêm điều kiện thăng hạng giáo viên.

Theo Điều 3 Thông tư này, tiêu chuẩn và điều kiện thăng hạng giáo viên đã được quy định chung cho cả trường hợp thi và đăng ký xét thăng hạng. Về tiêu chuẩn và điều kiện thăng hạng giáo viên đã giảm thời gian xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Khoản 2 Điều 3 Thông tư nêu rõ, để được thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên phải được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Như vậy, so với các Thông tư 20, Thông tư 28 trước đây, quy định mới đã giảm thời gian này từ 3 năm xuống chỉ còn 1 năm liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng.

Từ 15-1, nhiều quy định mới về mới về thăng hạng giáo viên các cấp sẽ có hiệu lực (ảnh minh họa)

Từ 15-1, nhiều quy định mới về mới về thăng hạng giáo viên các cấp sẽ có hiệu lực (ảnh minh họa)

Thông tư 34 cũng quy định áp dụng chung cho tất cả các cấp học. Cụ thể, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng II lên giáo viên hạng I được thực hiện thông qua việc xét, chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng và kiểm tra, sát hạch theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I của mỗi cấp học.

Giáo viên hạng II dự xét thăng hạng lên giáo viên hạng I được tham dự kiểm tra, sát hạch khi điểm hồ sơ đạt 100 điểm theo thang điểm quy định tại Điều 6 Thông tư này. Việc kiểm tra, sát hạch được thực hiện bằng hình thức làm bài trắc nghiệm hoặc phỏng vấn.

Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng III lên giáo viên hạng II được thực hiện thông qua việc xét và chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II của mỗi cấp học.

Bên cạnh đó, Thông tư 34 còn thay đổi về điểm chấm hồ sơ xét thăng hạng. Hồ sơ xét thăng hạng được chấm theo thang điểm 100, không làm tròn số khi cộng các điểm thành phần. Giáo viên không được cộng điểm tăng thêm khi tính điểm xét hồ sơ.

Nghị định 127/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đã tăng mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực giáo dục so với trước đây. Cụ thể, mức tiền phạt tối đa với cá nhân là 75 triệu đồng (tăng 25 triệu đồng); Mức tiền phạt tối đa với tổ chức là 150 triệu đồng (tăng 50 triệu đồng).

Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục là 1 năm.

Về thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, với hành vi vi phạm đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm; Đối với hành vi vi phạm đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;

Trường hợp xử phạt vi phạm với tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm chuyển đến thì thời hiệu xử phạt được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 và điểm a, b khoản 2 tính đến thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 118/2021/NĐ-CP.

Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục xảy ra trước thời điểm Nghị định 127 có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng Nghị định 04/2021/NĐ-CP để xử lý.

Nghị định 127/2021 có hiệu lực từ đầu tháng 1/2022.