Hai lần hy sinh

ANTĐ - Đã chọn cho mình một nghề, một trách nhiệm là người chiến sĩ công an, họ biết mình có thể sẽ phải đổ máu, phải ngã xuống bất cứ lúc nào. Nhưng khi cuộc đấu tranh chống tội phạm ngày càng cam go, khốc liệt với những thủ đoạn tinh vi, phức tạp thì những chiến sĩ công an càng phải đối mặt với hiểm nguy. Có những sự hy sinh dễ dàng được chia sẻ, được tôn vinh, nhưng có những sự hy sinh thầm lặng  mà người chiến sĩ phải giữ cho riêng mình, bởi nó có thể làm tổn thương đến những người thân yêu của họ. Những chiến sĩ bị phơi nhiễm HIV trong quá trình công tác, là một sự hy sinh như thế.

Hai lần hy sinh ảnh 1

Đối mặt với tử thần

“Chuyện bị thương đối với người chiến sĩ hình sự là chuyện hàng ngày... Té ngã và đổ máu là chuyện thường con à. Nhưng một mình ba chết đã đành, đằng này ba đã vô tình làm khổ cả mẹ con!”. Đó là những dòng nhật ký mà người cha, Trung úy Nguyễn Thành Dũng (cảnh sát hình sự CATP Hồ Chí Minh) gửi lại cho con trước lúc lìa xa cõi đời, ở cái tuổi 37. Anh bị nhiễm HIV sau một lần truy bắt tội phạm. Đau buồn hơn là người vợ của anh cũng mất sau đó ít lâu vì bị lây HIV từ chồng. Câu chuyện ấy đã qua đi được nhiều năm nhưng nó đã  huyền thoại của ngành công an.  

Một lần truy bắt tội phạm khi lực lượng công an xóa một tụ điểm ma túy, Trung úy Nguyễn Thành Dũng đã bị một tên tội phạm đâm nhiều nhát vào người, anh phải vật lộn với hắn trong vũng máu của cả 2 người để buộc hắn tra tay vào còng số 8. Mấy năm sau, trong khi đi trinh sát ở Công viên Lãnh Binh Thăng, anh bị một đối tượng đâm lén kim tiêm từ phía sau, trời tối không đuổi kịp. Những lần như thế, không biết anh đã bị nhiễm căn bệnh thế kỷ lúc nào, còn vô tình lây sang cho vợ. Những chiến công lừng lẫy của các chiến sĩ công an thì có thể được nhiều người biết đến, nhưng những sự hy sinh thầm lặng của tất cả các lực lượng của ngành công an thì không phải ai cũng hiểu. Và trong trường hợp của chiến sĩ Nguyễn Thành Dũng không phải ai cũng có thể hiểu được rằng có những lúc anh và chị phải nhường nhau từng viên thuốc, người này mong người kia được sống lâu hơn đến lúc con trai trưởng thành. Nhưng cuối cùng không tránh được sự khắc nghiệt của số phận, anh chị đã phải ra đi khi tuổi còn rất trẻ, khi con của họ vẫn còn quá bé bỏng.

Đó là câu chuyện của nhiều năm trở về trước. Nhưng hôm nay, những nguy hiểm với người chiến sĩ công an vẫn còn đấy. Chừng nào còn tội phạm, thì chừng đó những chiến sĩ công an phải đương đầu với hiểm nguy, chừng nào còn ma túy, còn căn bệnh thế kỷ thì chừng đó những chiến sĩ công an còn phải bị phơi nhiễm HIV bởi trong những trận chiến với tội phạm để truy bắt bằng được đối tượng thì việc bị chống trả là điều không tránh khỏi.

Trong lễ tuyên dương gương mặt tiêu biểu của lực lượng Công an nhân dân năm 2012 mới đây, có một chiến sĩ đã 2 lần phải uống thuốc chống phơi nhiễm HIV. Anh là Đại úy Trần Trung Kiên, một chiến sĩ công an của núi rừng Tây Bắc. Là chiến sỹ đấu tranh trên mặt trận chống ma túy, một mặt trận hết sức nóng bỏng và khốc liệt. Người chiến sĩ thường xuyên bị đối tượng sử dụng vũ khí nóng chống trả, nhiều tên trong số tội phạm bị nhiễm HIV, khi bị tấn công chúng luôn cố tình dùng đó làm thứ “vũ khí” để chống trả lực lượng công an hòng thoát thân. Vào giữa năm 2007, trong lần tham gia chuyên án bắt giữ đối tượng Hoàng Văn Biêng (tỉnh Điện Biên) - một đối tượng nhiễm HIV, và cũng là một đối tượng sừng sỏ trong các vụ buôn bán ma túy. Hắn đã liều lĩnh cầm mã tấu chém xối xả vào lực lượng truy bắt. Đại úy Kiên đã khống chế được tên tội phạm, nhưng anh bị hắn chém gây thương tích bằng con dao đã dính máu của hắn. Nhưng không lâu sau đó, trong một chuyên án khác khi bắt được đối tượng vận chuyển ma túy, lực lượng công an bị người nhà đối tượng và những con nghiện đã nhiễm HIV bao vây tấn công khiến anh bị thương. Một lần nữa, anh lại phải đối mặt với “tử thần”. Dù hai lần đều kịp thời uống thuốc phơi nhiễm HIV và may mắn đều thoát khỏi tử thần, nhưng phía trước anh, và những người đồng đội của anh chắc chắn vẫn còn vô vàn hiểm nguy…

Những đêm thao thức

Để trốn tránh sự trừng trị của pháp luật, bọn tội phạm dùng nhiều thủ đoạn để chống trả lại lực lượng công an, trong đó nhiều đối tượng nhiễm HIV đã coi chính căn bệnh mang trong người chúng là vũ khí để chống trả lực lượng công an. Những chiến sĩ cảnh sát hình sự, truy nã tội phạm, lực lượng công an chống ma túy, cảnh sát cơ động… là lực lượng dễ dàng đối mặt với những hiểm nguy của loại tội phạm này nhất.

Mới đây nhất, tổ công tác 142 (Công an TP Hà Nội) thành lập được hơn nửa năm, nhưng cũng có tới 3 chiến sĩ công an bị phơi nhiễm HIV. Thượng úy Dương Tuấn Anh (Đội Chống tội phạm cướp - cướp giật tài sản, Phòng CSHS - CATP Hà Nội) trong lúc bắt tên cướp móc túi trên xe buýt đã bị hắn cắn vào tay, sau đó hắn khai bị nhiễm HIV. Thượng úy Lại Thế Huyện (Trung đoàn CSCĐ) cũng trong lần bắt đối tượng móc túi trên xe buýt  đã bị kẻ gian chống đối làm xây xước nhiều chỗ trên cơ thể. Đối tượng này cũng bị nhiễm HIV. Hay Trung sĩ Nguyễn Xuân Minh (Trung đoàn CSCĐ) trong lúc làm nhiệm vụ cũng bị kẻ gian dùng bơm kim tiêm chống trả làm bị thương…

Đã là những chiến sĩ đứng trong hàng ngũ lực lượng công an nhân dân thì phải biết hy sinh, việc phải đối mặt với hiểm nguy, bị thương, đổ máu là chuyện đã xác định. Với những người chiến sĩ thì nhiệm vụ phải được đặt lên trên hết, việc truy bắt tội phạm bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân phải được đặt lên trên cả mạng sống của mình. Đó đã là một sự hy sinh. Nhưng với những chiến sĩ bị phơi nhiễm HIV thì lại thêm một lần hy sinh nữa. Đối mặt với cái chết, nhưng họ phải âm thầm chịu đựng. Nếu như người ta vẫn nói những người bị phơi nhiễm HIV phải “sống trong sợ hãi” suốt cả chuỗi ngày chờ đợi thấp thỏm lo âu thì những người chiến sĩ công an họ vẫn làm việc vẫn chiến đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong khi đó, họ giữ nỗi đau cho riêng mình. Mệt mỏi, lo lắng, đấu tranh, dằn vặt nhiều khi đến mất ăn mất ngủ nhưng họ không dám chia sẻ điều đó cho gia đình, cho người thân bởi họ sợ rằng thêm một lần người thân của họ phải lo lắng. Nếu những ai đã từng là người thân của những chiến sĩ công an thì họ mới có thể thấu hiểu được những gánh nặng mà những người chiến sĩ công an phải gánh vác, và chỉ có những chiến sĩ công an mới có thể thấu hiểu được những sự hy sinh mà vợ mình, mẹ mình và những người thân của mình đang hàng ngày, hàng giờ phải chịu đựng. Một đêm, những người chiến sĩ ra khỏi nhà cũng là một đêm thao thức của những người thân. Có lẽ chính vì điều đó mà nhiều chiến sĩ công an đang bị phơi nhiễm HIV hiện nay đã không muốn những người thân của mình lại phải thêm những đêm dài thao thức. Và tôi biết còn rất nhiều những chiến sĩ công an như thế.