Tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức (Hà Nội):

Hai bệnh nhân tử vong bất thường sau khi gây mê

ANTD.VN - Trong cùng buổi sáng, 2 bệnh nhân được gây mê phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức (số 219 Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đều tử vong ngay sau đó.

Người nhà nạn nhân ngồi đợi khám nghiệm tử thi tại Bệnh viện Bạch Mai

Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường xác nhận đã nhận được thông tin có 2 bệnh nhân bị tử vong nghi do sốc phản vệ sau khi được gây mê phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức sáng 

25-12. Hai bệnh nhân này được gây mê phẫu thuật đã có biểu hiện sốc phản vệ như: khó thở, tụt huyết áp, trụy mạch, nhận thức lơ mơ… sau khi được tiêm thuốc gây mê. Ngay lập tức, các bệnh nhân được xử trí cấp cứu tại chỗ và được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, một bệnh nhân đã tử vong ngay khi được đưa đến cấp cứu, người còn lại cũng không qua khỏi sau đó.

Ngừng tim sau gây mê

Nạn nhân tử vong đầu tiên là chị Q.T.M.P (SN 1979, ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội), được chẩn đoán đau 2 thùy tuyến giáp, có chỉ định phẫu thuật cắt u 2 thùy tuyến giáp. Bệnh nhân được gây mê nội khí quản.

Kíp bác sĩ gồm 1 bác sĩ mổ, 1 bác sĩ gây mê, 1 kỹ thuật viên gây mê và 2 dụng cụ viên. Khoảng 8h15, bệnh nhân được tiêm Atropine 0.25mg, Midazolam 5mg, Solumedrol 40mg (tiềnmê). Sau đó 15 phút có sử dụng tiếp 100mg Diprivan và 30mg 

Esmeron. Sau 30 giây, bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ và được tiến hành cấp cứu tại phòng mổ, sau đó được chuyển đến Khoa A9 - Bệnh viện Bạch Mai điều trị và tử vong.

Cùng sáng 25-12, bệnh nhân H.V.T (34 tuổi, ở thôn Lạc Dương, xã Hồng Thái, Phú Xuyên, Hà Nội) đến Bệnh viện Đa khoa Trí Đức để cắt amidan. Tuy nhiên, sau khi được gây mê chỉ 5 phút, anh T có dấu hiệu ngừng tim, lập tức được chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Chiều 25-12, có mặt tại nhà xác Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi được ông H.V.C (66 tuổi) - bố đẻ nạn nhân H.V.T cùng nhiều người nhà nạn nhân đang túc trực tại đây xác nhận thông tin kể trên.

Theo lời kể của ông H.V.C, anh T trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, có vợ và 4 con, cháu bé nhất vừa mới sinh được hơn 2 tháng. Hiện nay, vợ chồng anh T ở trọ tại phường Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cả 2 vợ chồng cùng làm nghề tự do.

Chiều 24-12, anh T đến khám amidan tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức, có chỉ định mổ để cắt amidan. Vì thế, sáng 25-12, vợ chồng anh đến Bệnh viện Trí Đức để thực hiện thủ thuật. Khoảng 10h sáng, anh được đưa vào mổ.

Nhưng chỉ sau khoảng 5-10 phút, bác sĩ ra thông báo với vợ anh T rằng anh T có dấu hiệu ngừng tim sau gây mê, cần phải chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Bạch Mai, anh T được xác định đã tử vong.

Ông Đỗ Hữu Quyền - một người thân của anh T (ở Mạc Thị Bưởi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), người có mặt sớm nhất sau khi nhận được thông tin nạn nhân tử vong cho biết, anh T vốn rất sợ “dao kéo”.

“Chính tôi là người động viên cháu nó đi cắt amidan, không ngờ lại xảy ra cơ sự này. Tôi không có ý kiến gì về trình độ hay thái độ của y bác sĩ tại Bệnh viện Trí Đức nhưng chỉ nghĩ nếu bệnh viện có phương tiện hiện đại để cấp cứu cho nạn nhân kịp thời thì có lẽ sự việc đã khác”, ông Quyền tiếc nuối.

Bệnh viện Đa khoa Trí Đức (Hà Nội), nơi 2 bệnh nhân tử vong sáng 25-12

Cơ quan công an vào cuộc

Chiều 25-12, tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức, cơ quan công an vẫn phong tỏa khu vực phòng gây mê, phòng mổ của bệnh viện và làm việc với bệnh viện về vụ việc này.

Cơ quan chức năng xác nhận thông tin có 2 bệnh nhân bị tử vong nghi do sốc phản vệ sau khi được gây mê phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức. Về phía Sở Y tế Hà Nội, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng xác nhận, đã nhận được thông tin về vụ việc và cho biết cơ quan công an đã vào cuộc điều tra.

Được biết, ở Việt Nam, tuy chưa có thống kê chi tiết song hiện tượng sốc phản vệ do thuốc vẫn xảy ra thường xuyên, trong đó nhiều trường hợp đã tử vong. Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm, khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận khoảng 50-60 trường hợp sốc phản vệ được chuyển đến từ các bệnh viện khác. Con số này tăng khá nhiều so với 5-10 năm trước. Chi phí thuốc cấp cứu sốc phản vệ không đắt nhưng quan trọng là thời gian cấp cứu kịp thời.

“Gần đây, tình trạng dị ứng, sốc phản vệ xảy ra nhiều hơn, diễn biến nguy hiểm hơn...”.

PGS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai)