Hà Nội: Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng quá trình sắp xếp, kiện toàn bộ máy để trục lợi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - TP Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm hành vi lợi dụng quá trình sắp xếp, kiện toàn bộ máy để trục lợi, gây thất thoát, lãng phí hoặc làm chậm tiến độ giải ngân.

UBND TP Hà Nội mới ban hành Kế hoạch số 122 về việc triển khai chuyển tiếp quản lý các chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp của thành phố Hà Nội.

Theo đó, UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các chủ đầu tư triển khai công tác chuyển tiếp quản lý các chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy địa phương theo ba giai đoạn: trước, trong và sau khi có quyết định (hoặc nghị quyết) của cấp có thẩm quyền về sắp xếp, sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính.

Giai đoạn trước khi có quyết định, nghị quyết sáp nhập, chia tách: các đơn vị rà soát, lập danh mục các chương trình, nhiệm vụ, dự án: Sở Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn các quận, huyện thị xã rà soát, lập danh mục các chương trình, nhiệm vụ, dự án;

UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, tổng hợp, lập danh mục tất cả các chương trình, nhiệm vụ, dự án, đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; các chương trình, nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2025; các chương trình, nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch vốn năm trước được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển tiếp sang năm 2025;

Các chương trình, nhiệm vụ, dự án còn dở dang chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành; các dự án còn số dư tạm ứng các năm trước phải theo dõi để tiếp tục thu hồi; các dự án đã phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành nhưng chưa bố trí đủ vốn để thanh toán thuộc cấp mình quản lý; các dự án đang hoặc sắp triển khai... gửi Sở Tài chính trước ngày 07/5/2025 để tổng hợp, báo cáo UBND TP chậm nhất trước ngày 10/6/2025.

UBND cấp huyện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đảm bảo tất cả thủ tục liên quan tới thẩm định, phê duyệt, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, nghiệm thu, thanh toán… được thực hiện liên tục, không đình trệ cho đến khi cấp có thẩm quyền quyết định việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tuyệt đối không gián đoạn công tác với lý do “chờ sáp nhập” hay “bỏ cấp hành chính”.

UBND cấp huyện có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm trường hợp cán bộ, đơn vị trì hoãn thực hiện các thủ tục liên quan đến thẩm định, phê duyệt ... gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Giai đoạn hai là trong khi triển khai sáp nhập, chia tách (sau khi có quyết định, nghị quyết): Tổ chức bàn giao, tiếp nhận; Thực hiện theo nguyên tắc “tiếp nhận nguyên trạng”: Cơ quan nhận bàn giao kế thừa nguyên trạng chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch vốn thuộc phạm vi quản lý tại thời điểm bàn giao từ cơ quan bàn giao;

Đối với các nhiệm vụ, dự án dở dang khi thực hiện bàn giao phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ có liên quan để đơn vị tiếp nhận có thể theo dõi, thực hiện quyết toán khi công trình, dự án hoàn thành. Trường hợp bàn giao hợp đồng dở dang thì phải đảm bảo hiệu lực của hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên… để đơn vị nhận bàn giao có đủ căn cứ tiếp tục thực hiện;

Chủ đầu tư chốt số liệu, đối chiếu với cơ quan kiểm soát, thanh toán. Thời điểm chốt số liệu để bàn giao: ngày 15/6/2025...

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải báo cáo giải trình trong trường hợp chậm trễ, từ chối ký bàn giao, hoặc lợi dụng quá trình sáp nhập để gây thất thoát,lãng phí;

Tổ công tác liên ngành chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác bàn giao, tiếp nhận các chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp của thành phố Hà Nội; kịp thời báo cáo UBND TP xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).

Giai đoạn ba là sau khi hoàn tất sắp xếp, tổ chức bộ máy: các đơn vị tiếp tục thực hiện chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch vốn còn dang dở, không để mất thời gian chờ đợi...

Về việc điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, kế hoạch đầu tư công UBND TP dự kiến thực hiện việc chuyển tiếp cụ thể như sau: khi không tổ chức cấp huyện, đối với việc thay đổi cấp quyết định đầu tư, Chủ tịch UBND TP quyết định việc điều chỉnh cấp quyết định đầu tư của các dự án trước đây thuộc cấp huyện (chuyển về Thành phố hoặc giao về xã) căn cứ theo quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn sắp xếp của từng địa phương.

Cấp quyết định đầu tư (đơn vị mới) sẽ ban hành văn bản hành chính quyết định chủ đầu tư (đơn vị mới).

Với việc sáp nhập cấp xã, đơn vị mới sau sáp nhập sẽ kế thừa chức năng, nhiệm vụ cấp quyết định đầu tư của các dự án thuộc các xã trước sáp nhập (nếu có);

Cấp quyết định đầu tư (đơn vị mới) sẽ ban hành văn bản hành chính quyết định chủ đầu tư mới. Xã mới tiếp nhận toàn bộ kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của các xã trước khi sáp nhập.

Ngoài ra, riêng đối với việc điều chỉnh địa danh (không thay đổi vị trí, địa điểm thực hiện dự án), báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép cấp quyết định đầu tư không phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư.

"Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt đối với hạng mục giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thanh quyết toán. Chú trọng phòng ngừa rủi ro thất thoát, tham nhũng, lãng phí trong giai đoạn chuyển giao, nhất là khi thay đổi địa bàn, thay đổi chủ đầu tư. Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng quá trình sắp xếp, kiện toàn bộ máy để trục lợi, gây thất thoát, lãng phí hoặc làm chậm tiến độ giải ngân", UBND TP yêu cầu rõ.