Hà Nội xây dựng thành phố thông minh tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân

ANTD.VN - Được coi là một siêu đô thị về diện tích và quy mô dân số, tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, bảo đảm các yếu tố phát triển bền vững, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân, đang ngày một trở nên cấp thiết. Thành phố thông minh sẽ mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng 4.0.

Lộ trình phát triển thành phố Hà Nội thông minh đảm bảo các yếu tố bền vững mang lại tiện ích cho người dân

Ba giai đoạn của thành phố thông minh

Ngày 1-8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, trong đó đến năm 2020 tại Việt Nam, ít nhất 3 đô thị được phê duyệt Đề án tổng thể về phát triển đô thị thông minh và tổ chức thực hiện đầu tư hạ tầng và phát triển ứng dụng các tiện ích đô thị thông minh. Đây là cơ sở để Hà Nội ban hành chiến lược, lộ trình xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và “Kiến trúc ICT thành phố thông minh của thành phố Hà Nội”.

Lộ trình phát triển thành phố Hà Nội thông minh được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, đến năm 2020: Hình thành một phần cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh, bao gồm: Nền tảng kết cấu hạ tầng (mạng viễn thông băng rộng, hệ thống các cảm biến, camera giám sát, hạ tầng an ninh, an toàn thông tin, trung tâm dữ liệu...); các cơ sở dữ liệu cốt lõi (dân cư, đất đai, doanh nghiệp...); hoàn thành một phần cơ bản xây dựng chính quyền điện tử Hà Nội; xây dựng các hệ thống thông minh trong các lĩnh vực thiết yếu, như giáo dục, y tế, giao thông, du lịch, an toàn xã hội và môi trường. 

Giai đoạn 2 (từ năm 2021 - 2025): Hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; người dân chủ động tham gia quản lý và xây dựng chính sách phát triển xã hội; thông tin, cơ sở dữ liệu trở thành nguồn lực cơ bản trong phát triển xã hội, hình thành nền kinh tế số. Giai đoạn 3, sau năm 2025, thành phố Hà Nội phát triển ở trình độ cao với đặc trưng của nền kinh tế tri thức.

“Hà Nội mong muốn hướng tới một mô hình thành phố thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do đó, quan điểm nhất quán của chính quyền thành phố là lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh”.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Tính toán của doanh nghiệp viễn thông Telefonica cho thấy, một thành phố thông minh sẽ tiết kiệm được 5% lượng tiêu thụ, giảm được 1% lượng điện tiêu thụ, giảm 17% lượng khí thải CO2 và giảm gần 25% về nhu cầu giao thông vận tải. Chưa kể, dù đầu tư cho thành phố thông minh không nhỏ, nhưng nguồn thu mang lại cũng rất lớn. 

Cùng đó, thành phố thông minh sẽ giúp các đô thị giải quyết các vấn đề mới nảy sinh. Hà Nội cũng như các đô thị khác của Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như: hội nhập, cạnh tranh đô thị, biến đổi khí hậu, nước biến dâng cao, phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh. 

Bên cạnh đó, các vấn đề phức tạp của quá trình đô thị hóa như: dịch cư, chênh lệch giàu nghèo, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự… đang rất cấp bách, đòi hỏi phải thay đổi cách thức quản lý, phát triển đô thị. Xây dựng thành phố thông minh là lựa chọn tất yếu để giải quyết vấn đề nêu trên.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội kêu gọi đầu tư của đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước. Kết quả đạt được bước đầu trong các lĩnh vực là tiền đề để thành phố mở rộng hơn phạm vi của thành phố thông minh. 

Người dân là đối tượng thụ hưởng chính

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Hà Nội mong muốn hướng tới một mô hình thành phố thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do đó, quan điểm nhất quán của chính quyền thành phố là lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh.

“Hà Nội hướng tới mục tiêu đưa dịch vụ số đến với mọi người, ở bất kỳ đâu, thúc đẩy tiềm năng công nghệ qua nhiều cách như: chuyển toàn bộ đầu tư công sang thuê dịch vụ số, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp trên địa bàn, xây dựng hệ thống phần mềm quản lý nghiệp vụ, tích hợp và khai thác các dịch vụ số, ứng dụng tối đa các văn bản điện tử, sử dụng hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu số, tăng ứng trên thiết bị di động, chuẩn hoá công nghệ thông tin cho nhân dân, khuyến khích người dân tăng sử dụng công nghệ số”- Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường”.

Để hiện thực hóa điều này, thành phố sẽ hình thành Trung tâm điều hành thông minh thành phố Hà Nội với 8 trung tâm chức năng, gồm: Trung tâm giám sát bảo mật, an toàn thông tin; Trung tâm hỗ trợ cho cán bộ sử dụng CNTT của thành phố; Trung tâm Quản lý thông tin báo chí và thông tin truyền thông; Trung tâm giám sát, điều hành giao thông và phòng chống tội phạm nơi công cộng; Trung tâm phân tích dữ liệu; Trung tâm hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân; Trung tâm quản lý các hoạt động dịch vụ hành chính công; Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin cấp cứu, phòng cháy chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, y tế. 

Hà Nội cũng đã triển khai và tiếp tục duy trì cổng dịch vụ công, cung cấp các dịch vụ trực tuyến dùng chung mức độ 3- 4, tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký thành lập qua mạng phấn đấu đạt tỷ lệ 100%, hải quan điện tử: 100%, các lĩnh vực kê khai thuế điện tử và bảo hiểm xã hội: trên 98%... 

Trong lĩnh vực giáo dục, thành phố đã triển khai thành công tuyển sinh trực tuyến đầu cấp vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6. Bên cạnh đó, Hà Nội đã hình thành và đưa vào khai thác, sử dụng một số thành phần cơ bản của hệ thống giao thông thông minh và du lịch thông minh; đang nghiên cứu, triển khai một số thành phần cơ bản của hệ thống y tế thông minh, hệ thống giáo dục và đào tạo thông minh, hệ thống quản lý điện năng thông minh, hệ thống quản lý môi trường thông minh và nông nghiệp thông minh… 

Đại diện Phòng nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển đô thị (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia- Bộ Xây dựng) cho rằng, cùng với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đã có những bước đi cụ thể khi triển khai thành phố thông minh, thể hiện ở việc thực hiện giao thông thông minh, triển khai wifi miễn phí ở một số nơi công cộng hay “số hóa” những sinh hoạt hàng ngày (truy xuất nguồn gốc trái cây…)  là rất đáng chú ý. 

Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội thành viên toàn cầu về kinh doanh kỹ thuật số, một thành phố thông minh và bền vững là một thành phố sáng tạo, sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động của dịch vụ đô thị, cũng như khả năng cạnh tranh. Song đi kèm với nó, thành phố thông minh hoàn chỉnh cần tính đến khía cạnh nhân văn, xã hội và môi trường của các trung tâm đô thị. 

Khái niệm thành phố thông minh không phải là “phép cộng vô hồn” của các ứng dụng thông minh, mà phải kết hợp với quản trị, cơ sở hạ tầng, vốn con người và xã hội để đô thị tăng trưởng xanh và bền vững.