Hà Nội thêm nhiều người thất nghiệp

ANTĐ - Dù không có số liệu chính thức từ Sở LĐ-TB-XH về tỷ lệ thất nghiệp của thành phố thời điểm này, tuy nhiên nhìn vào số lượng lao động được nhận trợ cấp thất nghiệp cũng như số đăng ký tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng chóng mặt so với năm 2010, sẽ thấy được nhiều điều…

Các buổi phỏng vấn tuyển dụng việc làm ở Hà Nội luôn đông nghịt

16.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp

Nếu như năm 2010, Hà Nội có 4.192 lao động đăng ký thất nghiệp thì chỉ trong 11 tháng của năm 2011, số lao động đăng ký thất nghiệp đã tăng vọt lên gấp 4 lần. Thực tế, có đến xấp xỉ 16.000 lao động trên địa bàn thành phố có quyết định được nhận trợ cấp thất nghiệp trong năm nay, đồng nghĩa đã thất nghiệp thực sự.

Đáng nói, đây mới chỉ là số lao động đã đăng ký tham gia bảo hiểm thất nghiệp, số người lao động thất nghiệp chưa được thống kê (vì không tham gia bảo hiểm thất nghiệp) chắc chắn còn cao gấp nhiều lần. Hơn nữa, theo quy định thì những người làm việc ở doanh nghiệp nhỏ (sử dụng dưới 10 lao động), người lao động tham gia hợp đồng lao động dưới 12 tháng không được tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trong khi thực tế đây lại là những đối tượng có khả năng mất việc làm cao, thường trực nguy cơ thất nghiệp nhiều nhất.

Ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (TTGTVL HN) phân tích, năm 2011, thị trường lao động trên địa bàn thành phố có nhiều biến động do cuộc khủng hoảng kinh tế tác động đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất và gia công hàng xuất khẩu. Thị trường bị bó hẹp, số lượng đơn hàng giảm buộc doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giảm nhân lực. Càng gần đến thời điểm cuối năm, số lao động thất nghiệp càng tăng. Thực tế, lao động đến đăng ký thất nghiệp rải rác từ quý III nhưng đã tăng đột biến từ tháng 10. Với tình hình này, dự báo trong năm tới số lao động thất nghiệp còn tiếp tục tăng.

Ngoài ra, việc thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất không còn phù hợp quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội thành cũng là lý do khiến nhiều lao động của Hà Nội phải thôi việc, bỏ việc bởi không có điều kiện theo doanh nghiệp đến địa điểm mới. Chẳng hạn như Công ty Dệt 8-3 khi di dời đầu năm nay đã có hơn 1.000 lao động đến đăng ký trợ cấp thất nghiệp, Công ty Hanosimex khoảng 2.300 lao động, Công ty Cơ khí Hà Nội khoảng 300 lao động… Đáng chú ý, bên cạnh các đối tượng lao động phổ thông còn có khoảng 10% lao động trình độ cao, thậm chí có cả người nắm các vị trí quản lý cũng đăng ký trợ cấp thất nghiệp. Số này thường làm ở các dự án, tổ chức nước ngoài, lương cao nhưng áp lực lớn. Nhiều người mất việc khi dự án kết thúc, không tìm được việc làm mới.

Vừa thừa, vừa thiếu!

Một nghịch lý khác cũng đang tồn tại trên thị trường lao động Hà Nội, đó là tình trạng thừa “thầy”, thiếu “thợ”. Thực tế, tỷ lệ tuyển dụng lao động có trình độ trung học, công nhân kỹ thuật mới chỉ đáp ứng được 18,6%, trong khi tỷ lệ tuyển dụng lao động có trình độ đại học lại vượt 117,2% nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Điều này khiến một bộ phận lao động có trình độ cao phải chấp nhận làm những công việc trái với ngành nghề chuyên môn được đào tạo hoặc làm ở những vị trí công việc trình độ thấp hơn để có thu nhập trước mắt nuôi sống bản thân và gia đình.

Đáng nói hơn, dù số lao động phổ thông đang thất nghiệp rất lớn song việc tuyển dụng lao động phổ thông của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các ngành nghề có thu nhập thấp. Ông Chính cho biết, điều này phản ánh tâm lý kén chọn việc làm và thu nhập của lao động Hà Nội rất nặng nề, khác biệt đáng kể so với thị trường lao động ở các địa phương khác. “Phần lớn người lao động ở Hà Nội không muốn làm những công việc giản đơn, nặng nhọc, thu nhập thấp… nên các phiên giao dịch việc làm của TTGTVL HN chỉ đáp ứng được 4,51% nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông của các doanh nghiệp tham gia” - ông Chính dẫn chứng.

Cũng theo ông Chính, hiện tại, ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều nhất vẫn là dệt may và xây dựng, tuy nhiên đây lại là ngành ít đáp ứng cung cầu nhất. Thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng lao động của ngành dịch vụ khả năng sẽ tăng mạnh, trong khi một số ngành như cử nhân luật, cử nhân kinh tế đã bão hòa, dư nhiều.

Năm 2012: Cần tạo việc làm cho 1,5 triệu lao động

Đó là mục tiêu mà Bộ LĐ-TB-XH đề ra nhằm thực hiện có kết quả nhiệm vụ về an sinh xă hội gắn với giải quyết việc làm và giảm nghèo năm 2012 theo Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, Bộ LĐ-TB-XH chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích về tài chính, tín dụng, thuế, hỗ trợ dạy nghề, thông tin thị trường, cải cách thủ tục hành chính… nhằm ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh của các lĩnh vực, các thành phần kinh tế, đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động và tạo việc làm trong nước cho 1.510.000 lao động. Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng cơ bản phấn đấu tạo việc làm cho khoảng 630.000 người; khu vực dịch vụ tạo việc làm cho khoảng 580.000 người; khu vực sản xuất nông nghiệp tạo việc làm cho khoảng 300.000 người.
Tăng số phiên giao dịch việc làm

Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB-XH Hà Nội) cho biết, bắt đầu từ tháng 1-2012 tới đây, Sàn giao dịch việc làm thành phố sẽ mở các phiên giao dịch việc làm định kỳ vào thứ 5 hàng tuần. Điều này có nghĩa số phiên giao dịch việc làm sẽ được tăng lên thành 4 phiên mỗi tháng, thay vì 3 phiên như hiện nay (ngày 10, 20 và 28 hàng tháng). Chỉ tiêu giải quyết việc làm mà thành phố giao cho năm 2012 là trên 140.000 lao động. Trong năm qua, ước tính bình quân mỗi phiên giao dịch việc làm của Sàn giao dịch có 415 lao động được các doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng.