Hà Nội sẽ nhân rộng các mô hình mới trong thực hiện Đề án 06

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, ở Hà Nội các mô hình thanh toán lệ phí thủ tục hành chính bằng mã QR, thí điểm tuyến phố kinh doanh không dùng tiền mặt là những cách làm mới, nhiều lợi ích... rất cần nhân rộng.

Quét mã QR ở bộ phận “một cửa”

Từ cuối năm 2023, UBND quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với các đơn vị kỹ thuật nghiên cứu kết nối với hệ thống Dịch vụ công Hà Nội, tiếp nhận trực tiếp thông tin hồ sơ giao dịch trên hệ thống và mã hóa thành mã QR, hướng dẫn công dân thực hiện thanh toán, kết quả thanh toán được hiện trực tiếp trên màn hình tương tác với công dân tại quầy thu phí. Sau khi hoàn thành công tác kết nối kỹ thuật, UBND quận đã tiến hành triển khai thí điểm tại bộ phận “một cửa” quận và các phường Hàng Gai, Hàng Đào, Trung tâm phục vụ hành chính công phường Trần Hưng Đạo từ ngày 20 đến 29-2-2024. Tới ngày 1-3-2024 tiếp tục triển khai lắp đặt thiết bị và thực hiện thanh toán không tiền mặt tại tất cả các bộ phận “một cửa” thuộc quận.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải kiểm tra các mô hình mới ở quận Hoàn Kiếm

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải kiểm tra các mô hình mới ở quận Hoàn Kiếm

Theo đó, quy trình được thực hiện theo 6 bước.

Bước 1: Công dân cung cấp thông tin thủ tục hành chính cần giải quyết.

Bước 2: Cán bộ nhập thông tin lên hệ thống Dịch vụ công của Hà Nội và chọn thanh toán mã QR (thông tin sẽ tự động chuyển sang hệ thống sinh mã).

Bước 3: Cán bộ kiểm tra thông tin hồ sơ và ấn tạo QR thanh toán.

Bước 4: Mã QR hiển thị trên 2 màn hình (máy tính của cán bộ và màn hình tương tác của công dân).

Bước 5: Công dân dùng ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử để quét mã thanh toán.

Bước 6: Hệ thống hiển kết quả thanh toán thành công trên màn hình của cán bộ và màn hình tương tác của công dân. Toàn bộ thông tin hồ sơ đều được tự động hình thành báo cáo đối soát và báo cáo để nộp tiền vào kho bạc. Đến đầu tháng 4-2024 đã có tổng số 1.225 giao dịch với tổng số tiền phí, lệ phí là 42.308.000 VNĐ được thực hiện qua mô hình này.

Qua quá trình triển khai, UBND quận Hoàn Kiếm đánh giá giải pháp thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt khi thực hiện thủ tục hành chính bằng mã QR động có nhiều ưu điểm như: Người dân, cán bộ không phải sử dụng tiền mặt trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính tại các bộ phận “một cửa”; Quá trình giao dịch được lưu vết trên hệ thống và hoàn toàn minh bạch; Giảm được thao tác của công dân và cán bộ trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính; Công tác đối soát được thực hiện tự động, tránh nhầm lẫn, rút ngắn thời gian làm việc của cán bộ tiếp nhận thủ tục hành chính; Tiền phí và lệ phí được lưu giữ trong các tài khoản ngân hàng thương mại và hệ thống ví điện tử giúp giảm thiểu các rủi ro khi lưu giữ tiền mặt trước khi nộp vào kho bạc; Thống kê báo cáo được thực hiện tự động, tăng khả năng kiểm soát và thuận tiện khi nộp tiền vào ngân sách. Với cách làm này, người dân có thể thao tác dễ dàng, tiết kiệm thời gian, không phải sử dụng tiền mặt khi giao dịch.

Mô hình thí điểm “Tuyến phố 4.0 không dùng tiền mặt” ở phố Hàng Bạc (Hoàn Kiếm) được nhiều hộ kinh doanh, người dân ủng hộ

Mô hình thí điểm “Tuyến phố 4.0 không dùng tiền mặt” ở phố Hàng Bạc (Hoàn Kiếm) được nhiều hộ kinh doanh, người dân ủng hộ

Ông Trịnh Tất Thắng - Trưởng bộ phận một cửa UBND quận Hoàn Kiếm cho biết thêm: “Trung bình một hồ sơ khi thực hiện thanh toán quét QR, người dân sẽ giảm được bớt 4 thao tác và không phải dùng tiền mặt, đồng thời các cán bộ có thể giảm đến 6 thao tác”. Về khó khăn vướng mắc, UBND quận Hoàn Kiếm kiến nghị các cơ quan chuyên môn của thành phố hướng dẫn việc nộp tiền lãi phát sinh vào kho bạc theo đúng quy định hiện hành đối với việc thanh toán trực tiếp và thanh toán trực tuyến có phát sinh lãi gửi tiền qua đêm trong các tài khoản ngân hàng thương mại của các đơn vị… Những vướng mắc này đều đã được Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 chỉ đạo các đơn vị tháo gỡ kịp thời.

Ông Phi Mạnh Huy (trú tại quận Hoàn Kiếm) đánh giá: “Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu. Tôi ủng hộ cách làm này và cần nhân rộng. Tất nhiên sẽ có một vài khó khăn đối với những người già hoặc người chưa có smartphone. Nhưng các trường hợp này thì cán bộ có thể thanh toán hộ và cũng không phải là không giải quyết được”.

Thí điểm, nhân rộng “Tuyến phố 4.0 không dùng tiền mặt”

Mới đây, ngày 2-4, tại UBND phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã ra mắt mô hình “Tuyến phố 4.0 không dùng tiền mặt” tại phố Hàng Bạc. Trên địa bàn phường Hàng Bạc có gần 500 hộ kinh doanh với những nét đặc trưng riêng. Bởi vậy, việc ra mắt mô hình này là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế. Thanh toán không dùng tiền mặt giúp người dân dần tiếp cận nhanh các ứng dụng, tiện ích trong thời đại số, góp phần xây dựng công dân số, xã hội số. Đây là mô hình điểm của quận Hoàn Kiếm. Tuyến phố không dùng tiền mặt được triển khai trên cơ sở các tiêu chí của tuyến phố văn minh “Sạch - Xanh - Sáng - Đẹp - An toàn”. Hơn 108 kinh doanh và người dân trong tổ dân phố đã đăng ký tham gia.

Đồng hành cùng chương trình này, CAP Hàng Bạc cũng đã tuyên truyền đến các hộ kinh doanh về an toàn trên không gian mạng, phòng chống lừa đảo và đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy tại các hộ kinh doanh, sửa chữa vàng bạc. Hộ kinh doanh vàng bạc Thịnh Loan (số 86 phố Hàng Bạc) cho biết rất ủng hộ chủ trương của phường về không sử dụng tiền mặt. Việc này giúp cửa hàng hạn chế tiền giả, tiền rách, tiền thừa hoặc thiếu, không cần kiểm đếm mất thời gian, quản lý nguồn tiền giao dịch cũng an toàn, hiệu quả.

Để mở rộng việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, thời gian tới UBND phường Hàng Bạc sẽ tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, lồng ghép tuyên truyền nội dung thanh toán không dùng tiền mặt trong các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt giao ban tại các tổ dân phố; lồng ghép các hội nghị để nâng cao nhận thức cho người dân, cán bộ, công chức, người lao động về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, cách thức thanh toán không dùng tiền mặt trong phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo bước đệm cho người dân trải nghiệm những hình thức thanh toán bằng công nghệ, tiếp cận nhanh với các ứng dụng, tiện ích trong thời đại chuyển đổi số. Dự kiến quý III-2024, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục triển khai mô hình này ở phố Hàng Dầu và ngõ Trung Yên… Việc thí điểm này không chỉ mang lại nhiều lợi ích mà còn thúc đẩy các nội dung quan trọng khác của Đề án 06 như chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Đây là cách làm hiệu quả, cần tổng kết, hoàn thiện và nhân rộng toàn thành phố…