Hà Nội: Nhiều trẻ sơ sinh mới chỉ 5-7 ngày tuổi mắc sốt xuất huyết, dễ chẩn đoán nhầm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội đang gia tăng mạnh, gần đây, các bệnh viện trên địa bàn ghi nhận không ít trẻ sơ sinh mới chỉ vài ngày tuổi mắc bệnh, triệu chứng dễ nhầm lẫn…
Hà Nội ghi nhận một số trẻ sơ sinh mắc SXH

Hà Nội ghi nhận một số trẻ sơ sinh mắc SXH

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, trong 2-3 tuần trở lại đây, bệnh viện này tiếp nhận 3 trẻ sơ sinh nhập viện vì mắc sốt xuất huyết (SXH). Tuy SXH là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thực tế ít gặp ở trẻ sơ sinh, vì thế việc có nhiều trẻ sơ sinh nhập viện cho thấy nguy cơ dịch đang ở mức cao.

Bác sĩ Vũ Thị Thu Nga, Trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, ca nhỏ tuổi nhất nhập viện vì SXH đến thời điểm này được ghi nhận là cháu V.D.A, 5 ngày tuổi, ở phường Ngọc Thuỵ (quận Long Biên, Hà Nội). Đây cũng là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận cháu bé nhỏ tuổi như vậy nhập viện vì SXH.

Cháu bé này nhập viện vì triệu chứng vàng da, một ngày sau xuất hiện dấu hiệu sốt. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé dương tính với SXH trên nền bệnh vàng da sơ sinh và nhiễm khuẩn sơ sinh.

Trước đó, mẹ bé cũng bị sốt liên tục 4 ngày, có nốt phát ban, ngứa nhưng không đi khám và không làm xét nghiệm. Sau khi đưa con vào bệnh viện, mẹ bé A. xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết Dengue.

Trường hợp nhỏ tuổi thứ 2 là một bé sơ sinh 7 ngày tuổi ở phường Phúc Đồng. Trẻ được đưa đến viện vì có dấu hiệu bú kém, ngủ lì bì, tím tái. Sau đó, bé bị sốt, xét nghiệm chẩn đoán mắc SXH.

Cháu bé sơ sinh này sinh ra non tháng và chỉ nặng 2,6kg nên thể trạng yếu hơn bình thường. Sau khi nhập viện 3 ngày, bệnh nhi bị suy hô hấp, có dấu hiệu cô đặc máu, được chỉ định thở ô xy, truyền dịch, sử dụng kháng sinh và đặt ăn qua sonde. Sau 4 ngày điều trị, thể trạng trẻ ổn định và cai thở oxy.

Một trường hợp sơ sinh khác nhập viện vì SXH là cháu bé 16 ngày tuổi ở phường Bồ Đề (quận Long Biên). Trước đó, mẹ và bà ngoại của bé đều mắc SXH. Sau 3 ngày điều trị, bé đã được xuất viện.

Theo bác sĩ Nga, với trẻ sơ sinh mắc SXH, triệu chứng lâm sàng không đặc trưng, dễ dẫn đến nhầm lẫn với bệnh lý khác và bỏ sót.

Do vậy, các gia đình, đặc biệt là các hộ trong khu vực bệnh SXH đang lưu hành, cần cảnh giác phòng bệnh SXH bằng cách phòng tránh muỗi đốt, diệt loăng quăng, muỗi trưởng thành; loại bỏ ổ chứa nước đọng trong và quanh khu vực sinh sống; vệ sinh sạch sẽ nhà cửa...