Đổi mới mô hình Công an xã bảo đảm vững chắc an ninh, trật tự ngay từ cơ sở - Nhìn từ Hà Nội (Bài 1): Nâng niu từng “viên gạch” cho những “pháo đài” vững chắc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - LTS: Từ năm 2018 trở lại đây, mô hình bộ máy tổ chức của lực lượng Công an nhân dân có nhiều thay đổi, đáp ứng yêu cầu, tình hình thực tiễn theo hướng “tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả”. Trong đó, chủ trương xuyên suốt từ Bộ đến các địa phương là từng bước xây dựng lực lượng Công an cấp xã gần dân, sát dân, đảm bảo giữ vững an ninh trật tự ngay từ cơ sở và phục vụ nhân dân hiệu quả nhất. Những yêu cầu, đòi hỏi thiết thực ấy, đặc biệt từ sau thời điểm 1-3-2025 - không tổ chức mô hình Công an cấp huyện - cần thiết phải đổi mới đội ngũ Công an cấp xã: vững vàng về tư tưởng, bản lĩnh chính trị - nghiệp vụ; chủ động giải bài toán an ninh, trật tự ngay từ cơ sở; nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân; xây dựng thế trận an ninh nhân dân bài bản, và đón đầu, làm chủ, phát huy được những kiến thức khoa học công nghệ trong công tác Công an. Chủ trương và tinh thần ấy được ghi nhận từ thực tiễn công tác của CATP Hà Nội.

Đến thời điểm này, thực tiễn đã chứng minh chủ trương hết sức đúng đắn, đúng thời điểm của Trung ương, khi đưa lực lượng Công an chính quy về xã. Thời gian ngắn, nhưng lực lượng Công an chính quy cấp xã ở mọi vùng, miền đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chứng minh họ đang là điểm tựa bình yên cho nhân dân, xứng đáng với niềm tin “khi lúc dân cần, khi dân khó, có Công an”.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc CATP Hà Nội cùng các đồng chí trong Ban Giám đốc CATP Hà Nội luôn dành sự quan tâm, trực tiếp dự, chỉ đạo những hội nghị quan trọng về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác Công an

Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc CATP Hà Nội cùng các đồng chí trong Ban Giám đốc CATP Hà Nội luôn dành sự quan tâm, trực tiếp dự, chỉ đạo những hội nghị quan trọng về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác Công an

Xác định vai trò quan trọng của Công an cấp cơ sở

Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền - Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 12 của Đảng ủy Công an Trung ương và Chỉ thị số 11 của Bộ trưởng Bộ Công an (đều liên quan đến việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới) được triển khai, Đảng ủy CATP đã tổ chức phổ biến, quán triệt nghiêm túc các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh xây dựng Công an xã, thị trấn đến các đơn vị trong CATP, đặc biệt là các giải pháp trọng tâm “đột phá”; coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt trong công tác xây dựng Công an xã, thị trấn trên địa bàn thành phố.

CAP Quan Hoa (quận Cầu Giấy) hướng dẫn người dân tham gia đóng góp ý kiến qua ứng dụng VNeID

CAP Quan Hoa (quận Cầu Giấy) hướng dẫn người dân tham gia đóng góp ý kiến qua ứng dụng VNeID

Để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố về công tác xây dựng Công an xã, thị trấn, CATP đã tham mưu, đề xuất Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số

23-CT/TU, ngày 17-3-2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng Công an xã, thị trấn trên địa bàn thành phố đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, CATP tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch số 248/KH-UBND, ngày 9-8-2023, triển khai Chỉ thị số 23 của Thành ủy Hà Nội.

CATP cũng đã tham mưu Thành ủy ban hành Nghị quyết số 22- NQ/TU, ngày 1-11-2023, về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an Thủ đô thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; trong đó, có nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh xây dựng Công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và duy trì, củng cố, phát huy lực lượng Công an xã bán chuyên trách.

“Với trách nhiệm, tâm huyết và trí tuệ, Đảng ủy CATP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/ĐUCA, ngày 11-11-2022 về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó đề ra 4 giải pháp trọng tâm để tập trung thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo các Phòng, Công an các huyện, thị xã tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng Công an xã, thị trấn trên địa bàn thành phố”, Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền thông tin.

Thứ nhất, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ Công an xã, thị trấn phù hợp với tính chất phức tạp về an ninh trật tự của các xã, thị trấn; Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện các quy định về tổ chức, hoạt động của Công an xã, thị trấn; chế chính sách đối với cán bộ Công an xã, thị trấn chính quy và Công an xã bán chuyên trách; Thứ ba, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của Công an xã, thị trấn. Thứ tư, huy động, tranh thủ các nguồn lực, kinh phí hợp pháp để tiếp tục tăng cường đầu tư, trang bị đối với Công an xã, thị trấn.

Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của Công an cấp cơ sở trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; chủ động trong công tác xây dựng Công an xã, thị trấn trên địa bàn thành phố, Đảng ủy, lãnh đạo CATP đã chỉ đạo ban hành nhiều chủ trương, văn bản về việc xây dựng Công an xã, thị trấn. Nổi bật như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ CATP Hà Nội lần thứ XXVIII nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, là: “Cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ ở từng cấp, từng đơn vị theo khung tiêu chuẩn, tiêu chí, kết hợp tăng cường cho cơ sở, lực lượng trực tiếp chiến đấu; chú trọng xây dựng lực lượng công an cấp cơ sở đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn”.

Con người - mục tiêu và yếu tố tiên quyết

Bất kỳ chủ trương, giải pháp nào, sự thành công chỉ có được khi “đạt” về yếu tố con người. Trong công tác Công an, với Công an Hà Nội, quan điểm nhất quán, xuyên suốt là trong quá trình xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ chiến sĩ Công an xã “bám cơ sở” - gần dân - sát dân, thì tiêu chí đặc biệt quan trọng chính là cán bộ - con người”, “vì việc chọn người” thật khách quan, công tâm, lấy yếu tố đạo đức - trách nhiệm - hiệu quả - đặt lên hàng đầu.

Công an phường Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hướng dẫn các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 2013

Công an phường Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hướng dẫn các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 2013

Đồng chí Đội trưởng đội Tổ chức, biên chế - Phòng Tổ chức cán bộ CATP Hà Nội cho biết thêm, hình thành những “pháo đài” giữ gìn an ninh trật tự ngay từ cơ sở, lãnh đạo CATP Hà Nội đã chỉ đạo tiến hành rà soát, xác định tính chất, mức độ phức tạp về an ninh trật tự đối với từng xã, thị trấn theo từng lĩnh vực công tác (an ninh, hình sự, ma túy, kinh tế - môi trường, quản lý hành chính, phòng cháy chữa cháy); trên cơ sở đó, CATP đã ban hành Công văn số 2586/CAHN-PX01 phê duyệt tính chất địa bàn phức tạp về ANTT và hướng dẫn việc phân công, phân nhiệm đối với cán bộ Công an xã linh hoạt kết hợp theo địa bàn (thôn, xóm, tổ dân phố) và chuyên đề, lĩnh vực công tác.

Ghi dấu ấn rõ nét về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP đối với Công an cấp xã: tháng 7-2023, Quy chế làm việc mẫu của Công an xã, phường, thị trấn trong CATP Hà Nội được ban hành,triển khai. Trước đó, tháng 1-2023, CATP đã ban hành Hướng dẫn về xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ 2026 - 2031, kết hợp rà soát, lựa chọn cán bộ quy hoạch nổi trội các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy trong CATP Hà Nội, trong đó có nội dung: “Quá trình lựa chọn ưu tiên quy hoạch cán bộ có chuyên ngành đào tạo, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác an ninh, điều tra, phòng, chống tội phạm hoặc công tác tại Công an cấp xã”.

Khẳng định bản thân đã trưởng thành hơn rất nhiều trong gần 5 năm được phân công về làm Trưởng Công an xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Trung tá Trần Bá Thụ đúc kết: “Không chỉ gắn bó, gần gũi với nhân dân hơn, mà trình độ nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử, làm việc của cán bộ, chiến sĩ Công an xã cũng đã chuyển biến, nâng lên rõ rệt. Ngoài được tập huấn theo chương trình của Bộ Công an; chúng tôi còn được tham gia các khóa, lớp tập huấn do CATP tổ chức theo phương châm “cần gì bồi dưỡng đấy”, và rất đa dạng về các mặt công tác Cảnh sát khu vực, công tác PCCC và CNCH, công tác đăng ký xe... Công an xã luôn nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn của các phòng nghiệp vụ CATP. Và những kiến thức nghiệp vụ, pháp luật được trang bị đó đã và đang giúp lực lượng Công an xã, thị trấn vận dụng, thực hiện có hiệu quả”.

Loại bỏ tư duy “ngại thay đổi”, “ngại khó”...

“Chuyển đổi tư duy - trạng thái làm việc theo kịp diễn biến tình hình mới, trên tinh thần bám sát yêu cầu về chuyển đổi số. Cần xác định: chuyển đổi số phải bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức, thay đổi tư duy của từng chỉ huy, cán bộ chiến sĩ, đặc biệt phải loại bỏ tâm lý “ngại thay đổi”, “ngại khó”, Đại tá Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc CATP Hà Nội nhấn mạnh chủ trương quan trọng của lãnh đạo CATP Hà Nội; trong đó yêu cầu đổi mới phương pháp, cách thức quán triệt, tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, sản phẩm nổi bật của chuyển đổi số nhằm tạo tâm lý “hứng thú, mong muốn, khát khao được ứng dụng, áp dụng công nghệ thông tin vào công việc để nâng cao hiệu quả, giảm bớt thời gian, nhân lực”.

Lực lượng Công an xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm tham gia điều tra, xác minh vụ việc

Lực lượng Công an xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm tham gia điều tra, xác minh vụ việc

Đại tá Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ, lãnh đạo CATP xác định Công an cấp xã là tuyến đầu trong công tác bảo vệ an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở, thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về trật tự xã hội; đồng thời, với mô hình tổ chức bộ máy mới hiện nay và quy mô của Công an cấp xã sau khi thành phố Hà Nội thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; chức năng, nhiệm vụ cũng như vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an cấp xã sẽ tăng lên rất lớn. Bên cạnh những thuận lợi cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có những biện pháp, giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo để tăng cường, phát huy cao nhất hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Công an cấp xã, đảm bảo hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Đối với các mục tiêu, yêu cầu trên, CATP đã có những định hướng, chỉ đạo xuyên suốt, bài bản, trong đó, xác định công tác chuyển đổi số là trọng tâm, đột phá toàn diện trong toàn CATP. Định hướng mục tiêu, lộ trình cụ thể chuyển đổi số đến Công an cấp xã là tiền đề, một trong những yếu tố căn cơ, then chốt cùng với công tác xây dựng lực lượng, đào tạo đội ngũ cán bộ, để thúc đẩy hiệu suất, hiệu quả công tác.

Quán triệt và triển khai Nghị quyết 12 ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới", lãnh đạo CATP Hà Nội đã chỉ đạo các Phòng chức năng nghiên cứu, xây dựng Đề án “Xây dựng trụ sở làm việc và trang thiết bị đối với Công an xã trên địa bàn TP Hà Nội” trình và được HĐND TP ban hành Nghị quyết số 21/NQ-HĐND về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của cấp thành phố, trong đó duyệt hỗ trợ kinh phí xây dựng trụ sở Công an xã trên địa bàn thành phố là 1.900 tỷ đồng; chỉ đạo Công an các huyện, thị xã tham mưu, đề xuất UBND các huyện, thị xã hỗ trợ kinh phí để xây dựng trụ sở Công an xã.

Cùng với đó, trong khoảng 2 năm trở lại đây, Hà Nội được ghi nhận là một trong những địa phương trên toàn quốc đã tiên phong, sáng tạo, thể hiện rõ nét sự quan tâm đến lực lượng tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại cấp cơ sở.

Xuất phát từ thực tiễn tình hình, CATP đã báo cáo UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết số 21/2023/NQ-HĐND, ngày 8-12-2023, quy định số lượng, mức phụ cấp thường xuyên đối với Công an xã bán chuyên trách được bố trí ở thôn tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở; mức chi hỗ trợ thôi việc đối với Công an xã bán chuyên trách nghỉ công tác mà không bố trí sắp xếp được công tác khác hoặc không tiếp tục tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó, phê duyệt hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho lực lượng Công an xã bán chuyên trách là trên 2,5 triệu đồng; hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng trên 230.000 đồng; hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế hàng tháng.

Tiếp đó, ngày 1-7-2024, CATP tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết số 13/2024/NQ-HĐND quy định nội dung, mức chi hỗ trợ lực lượng Cảnh sát khu vực, lực lượng Công an xã trên địa bàn thành phố Hà Nội; trong đó, hỗ trợ cho lực lượng Công an xã chính quy 1,8 triệu đồng/người/tháng.

CATP cũng đã báo cáo, tham mưu HĐND TP ban hành Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND, ngày 6-12-2023, quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND TP; trong đó, quy định nội dung, mức chi đặc thù trong công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và hỗ trợ lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc các cơ quan chuyên trách, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy trên địa bàn TP Hà Nội, số tiền 1,8 triệu đồng/tháng. Qua đó, CATP đã đề xuất mỗi xã, thị trấn được duyệt 1 đồng chí là cán bộ chuyên trách phòng, chống ma túy.

(Còn tiếp)